Chè không chỉ là món quà độc quyền của mùa hè mà trong mùa đông cũng có rất nhiều món chè hấp dẫn với đặc trưng là ngọt ngào, ấm nóng trong thời tiết buốt giá.
Dưới đây là 2 món chè dễ làm, vừa ngon ngọt vừa giúp làm ấm cơ thể khi thời tiết dần trở lạnh sang đông.
1. Chè sắn mật mía
Chè sắn có vị ngọt thơm của gừng và mật mía. Ăn đến đâu, người ấm lên đến đó, rất phù hợp cho những ngày đông lạnh.
Nguyên liệu
- 400gr củ sắn (khoai mỳ)
- Bột năng
- Đường vàng hoa mai hoặc đường mật, đường thốt nốt, nếu không có dùng đường trắng cũng được nhưng sẽ không cho màu đẹp và vị thơm bằng các loại đường kia.
- Gừng củ: 1 nhánh
Cách làm
Sắn lột vỏ ngâm qua đêm bằng nước muối loãng hoặc nước vo gạo là tốt nhất.
Bổ sắn làm 4 phần, tước bỏ gân lõi, cắt sắn thành miếng nhỏ như quân cờ, cho sắn cắt nhỏ vào nồi luộc qua một nước,đổ phần nước đó đi, sau đó đổ lại nước khác vào luộc đến khi sắn chín mềm nhưng đừng để nát thì vớt sắn ra để nguội.
Đổ nước trắng vào nồi, đun sôi nước, sau đó cho mật mía hoặc các loại đường khác vào nồi (nấu chè sắn nên nấu bằng đường thốt nốt, mật mía…là thơm ngon, màu chè đẹp và hợp nhất, không có thì dùng đường trắng hoặc đường vàng hoa mai).
Độ ngọt nhạt có thể tự điều chỉnh, nước đường sôi thì hớt sạch bọt, thêm gừng thái sợi, đổ hết phần sắn đã thái miếng vuông quân cờ vào, hạ lửa vừa phải đun liu riu để nước đường gừng ngấm vào miếng sắn, thỉnh thoảng hớt bọt để nồi chè được ngon mắt hơn và luôn mở vung để nồi chè sắn không bị đục, tránh đảo nhiều làm cho sắn bị nát.
Đun đến khi sắn mềm chuyển sang trong. Lúc này hoà tan 3 thìa canh bột sắn dây, bột năng hoặc bột đao…với chút nước nguội, một tay đổ bột năng từ từ, một tay khuấy đều đến khi sền sệt theo ý muốn thì dừng lại. Nếu nồi chè vẫn chưa sánh đặc thì lại cho thêm bột năng nhưng cứ từ từ từng chút một không lại bị đặc quá.
Khi ăn múc chè sắn ra bát, thêm nước cốt dừa lên trên và ăn nóng.
* Cách nấu nước cốt dừa: đổ 200ml nước cốt dừa đóng hộp vào nồi nhỏ, thêm vào 2 thìa canh ăn phở đường, 50ml nước trắng, một thìa canh ăn phở bột năng, một xíu muối (bằng đầu đũa không lại mặn), hoà tan bắc lên bếp đun nhỏ lửa sôi nhẹ lăn tăn thì tắt bếp múc ra để nguội, thu được phần nước cốt dừa sền sệt và béo ngậy.
2. Chè bí đỏ
Nguyên liệu
- Bí đỏ: 500gr
- Bột gạo nếp: 300gr
- Lạc rang
- Dừa nạo
- Nước cốt dừa: 200ml
- Đường thốt nốt, đường vàng, đường trắng…đều được, tuỳ vào sở thích
- Một mẩu gừng nhỏ
Cách làm
Bí đỏ gọt vỏ, cắt nhỏ, luộc hoặc hấp chín, để nguội hoặc sờ còn âm ấm là được, đem tán nhuyễn, thêm vào 2 thìa canh ăn phở đường.
Cho từ từ bột nếp vào nhào cùng bí đỏ đến khi thành một khối dẻo mịn, vo viên là được, quá trình nhồi bột nếu khô thì cho thêm nước, nhão thì thêm bột nếp, cứ từ từ mà làm đến khi vo tròn thành viên không dính tay là được.
Nếu thích cho thêm nhân đậu xanh thì vo nhân đậu xanh vào giữa viên bột rồi vo tròn lại.
Đun sôi nồi nước, thả các viên bí đỏ vào luộc đến khi viên bột nổi lên trên mặt nước, vớt ra cho vào bát nước lạnh.
* Nấu nước đường gừng: cho 800ml nước trắng vào nồi, thêm 300-350gr đường thốt nốt hoặc đường vàng, đường mật, đường trắng đều được, đun sôi, đập dập một nhánh gừng thả vào nồi nước đường gừng, hớt bọt, tan đường toả ra mùi đường gừng hạ nhỏ lửa ở mức thấp (độ ngọt nhạt có thể tự điều chỉnh được).
Vớt các viên bí đỏ thả vào nồi nước đường gừng, đun thêm khoảng 10p lửa nhỏ thì tắt bếp.
* Cách nấu nước cốt dừa: đổ 200ml nước cốt dừa đóng hộp vào nồi nhỏ, thêm vào 2 thìa canh ăn phở đường, 50ml nước trắng, một thìa canh ăn phở bột năng, một xíu muối (bằng đầu đũa không lại mặn), hoà tan bắc lên bếp đun nhỏ lửa sôi nhẹ lăn tăn thì tắt bếp múc ra để nguội, thu được phần nước cốt dừa sền sệt và béo ngậy.
Khi ăn múc vài viên bí đỏ ra bát, chan nước đường gừng, rưới vài thìa nước cốt dừa lên trên, rắc lạc rang và dừa nạo, ăn nóng hay lạnh đều được. Nhà có thêm hạt chia, bột báng thì cho thêm vào ăn thêm vị cũng rất ngon.