Tổng hợp 20 công thức món ngon ngày Tết không thể bỏ qua

Tổng hợp 20 công thức món ngon ngày Tết không thể bỏ qua

Tết này nấu món ăn gì? Với 20 công thức món ngon ngày Tết dễ làm dưới đây, chắc chắn sẽ khiến gia đình bạn và khách tới chơi nhà phải xuýt xoa, tấm tắc khen ngon liên hồi.

Tổng hợp 20 công thức món ngon ngày Tết không thể bỏ qua

1. Bắp bò ngâm mắm

Nguyên liệu:

  • 1kg bắp bò hoa
  • 1 ít nguyên liệu tạo hương bao gồm: quế, hoa hồi, gừng, tỏi, ớt, tiêu
  • Giấm, đường và nước mắm

Cách làm:

Sau khi làm sạch bắp bò, bạn cho vào nồi nước và bắt đầu luộc cùng với hoa hồi (3 hoa), ít quế và gừng đập dập.

Pha 2 chén nước mắm loại ngon, 2 chén đường kính trắng và 1 chén giấm thành hỗn hợp thật đều. Nấu sôi hỗn hợp này và tắt bếp ngay, sau đó để nguội.

Rang tiêu hột cho thật thơm và tắt bếp. Lưu ý giữ nguyên hạt không xay.

Khi nước mắm và thịt đều đã nguội, bạn cho thịt vào một keo thủy tinh lớn và tiếp tục đổ nước mắm vào ngâm cùng với ít lát tỏi, ớt trái và tiêu hạt sao cho ngập mặt thịt là được.

Đặt keo này ở nơi thoáng mát trong khoảng 3 – 5 ngày là có thể dùng được.

Để thịt không ngấm thêm nước mắm và bị mặn, bạn nên cho phần thịt vào ngăn mát tủ lạnh và dùng dần.

Khi đem ra ăn, bạn dùng dao sắt, thái mỏng từng lát và ăn kèm với kiệu chua sẽ tạo thành một sự kết hợp tuyệt vời mang hương vị tết đặc trưng.

2. Bò nấu đậu

Nguyên liệu

  • 500gr thịt bò (dùng bắp hoặc phần có nhiều gân,thăn… tuỳ sở thích)
  • 5 củ khoai tây
  • 2 quả cà chua
  • 2 củ cà rốt
  • Vài cây hành hoa,rau mùi ta
  • 1/2 củ hành tây
  • 1 quả dừa tươi để lấy nước
  • 1 hộp đậu trắng (loại họ đã chế biến, ninh mềm sẵn đóng hộp về chỉ việc bỏ vào nấu, nếu không mua được thì dùng hạt đậu trắng khoảng 200gr)
  • 15ml rượu vang đỏ (nếu có rượu vang sẽ làm tăng thêm hương vị ngon của món thịt bò hầm, còn không có cũng không sao)
  • Gia vị: tỏi, hành củ, gừng, tiêu, bột canh, bột nêm, tương cà chua, đường

Cách làm

Thịt bò mua về rửa sạch, thái miếng vuông gần bằng bao diêm, ướp với 2 muỗng cà phê bột canh, 1 muỗng cà phê bột nêm, 2 củ hành tím băm nhỏ, 3 tép tỏi băm nhỏ, 1 miếng gừng bé băm nhỏ, 1 muỗng cà phê hạt tiêu, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng canh dầu ăn, trộn đều, bọc màng bọc thực phẩm để ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 1h cho ngấm gia vị.

Khoai tây, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch thái miếng vuông to vừa ăn. Hành tây lột vỏ, thái nhỏ. Cà chua rửa sạch, thái nhỏ. Dừa tươi bổ lấy nước để riêng. Rau thơm, hành hoa rửa sạch thái nhỏ.

Cho chút dầu vào nồi, phi thơm tỏi băm, đổ hết chỗ cà chua vào xào, thêm chút nước cho cà chua chín mềm. Trút thịt bò đã ướp vào xào săn. Thêm khoảng 3 muỗng canh tương cà để món ăn có màu đẹp, hấp dẫn hơn.

Đổ hết chỗ nước dừa tươi vào nồi thịt bò. Có thể thêm nước vào sao cho nước xăm xắp thịt bò. Đợi nước sôi hạ nhỏ lửa hầm thịt. Khi thịt bắt đầu hơi mềm, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn ,đổ hết chỗ rượu vang vào nồi thịt đảo đều.

Cho khoai tây vào hầm cùng khoảng 10p rồi cho cà rốt và hành tây thái nhỏ vào. Thêm đậu trắng vào đảo nhẹ, nấu lửa nhỏ cho thấm, nêm nếm lại lần nữa cho vừa miệng.

Hoà tan 1 muỗng canh bột năng với chút xíu nước ra bát, từ từ đổ vào nồi hầm thịt bò, nước sánh mịn theo ý muốn. Múc thịt ra bát, rắc chút hành hoa, rau mùi và chút hạt tiêu lên trên, ăn nóng cùng bánh mỳ hoặc cơm.

Lưu ý: Với phần đậu trắng mọi người có thể mua hộp đóng sẵn đã chế biến ninh mềm nhừ về chỉ việc cho vào nấu rất tiện. Hoặc ninh bằng đậu tươi thời gian ninh cũng ngắn. Với đậu khô, bạn cần ngâm qua đêm sau đó ninh nhừ trước khi cho vào nồi thịt hầm.

Món hầm này các nguyên liệu chín mềm vừa ăn không nên hầm quá nát. Món này để qua đêm nước sẽ sánh ngon hơn.

3. Nem chua bò

Nguyên liệu

  • 600gr thịt bò mông
  • 220gr bì
  • 1 muỗng cà phê hạt tiêu hạt giã dối
  • 1/2 muỗng cà phê bột tiêu
  • 1 muỗng cà phê đường
  • 5-7 tép tỏi băm (không băm nhuyễn)
  • Vài trái ớt cắt khoanh
  • 1 gói nem chua của Thái

Cách làm

Bì heo rửa sạch luộc chín thái sợi nhỏ, để thật ráo nước. Cho bì heo vào nem chua bò sẽ giúp nem ăn giòn và có độ dai. Nếu bạn mua bì làm sẵn thì bạn cũng cần luộc qua nước sôi 5 phút, sau đó vớt ra cho bì vào thau nước lạnh có đá cục cho bì được giòn.

Thịt bò mông bạn thấm khô rồi thái thành từng miếng lớn. Chú ý nếu rửa qua nước lạnh cũng cần phải thấm thật khô nhé, để miếng nem chua không bị ngấm nước.

Cho thịt bò vào máy xay nhuyễn trong khoảng 1 phút. Bạn chỉ nên xay nhuyễn vừa phải để nem không bị nát nhé. Nếu không có sẵn máy xay thì bạn có thể băm nhỏ bằng dao thớt nhé.

Bỏ thịt bò đã xay nhuyễn vào tô bọc màng bọc thực phẩm rồi cho vào ngăn đá để 45 phút. Bạn nhớ bọc màng bọc thực phẩm để tủ lạnh không bị mùi nhé.

Sau khoảng 45 phút lấy thịt ra, cho tỏi băm, bì lợn, ớt thái khoanh, bột nêm, tiêu hạt giã dối + bột tiêu… vào trộn thật đều tay để hỗn hợp làm nem chua bò ngấm đều gia vị. Bạn nên đeo găng tay nilong rồi trộn bằng tay, vừa trộn vừa bóp nhẹ để hỗn hợp đều gia vị hơn nhé.

Lấy 1 miếng màng bọc thực phẩm lót trong 1 cái hộp. Sau đó cho thịt vào ấn thật chặt tay. Chú ý khi gói nem chua cần gói chắc tay như vậy miếng nem mới không bị bã. Sau đó gói kĩ lại cho vào ngăn mát tủ lạnh qua 24 tiếng nem sẽ có màu đỏ cực đẹp và rất vừa ăn.

Gói chặt nem trong màng bọc thực phẩm rồi để trong ngăn mát tủ lạnh trong 24h. Khi nem có màu đỏ hồng là ăn được

Cắt nem chua bò từng miếng vuông vừa ăn, trang trí ớt xanh, đỏ, rau răm cho hấp dẫn. Sau đó lấy màng thực phẩm gói lại. Vậy là bạn đã hoàn thiện xong món nem chua bò để chồng đãi khách rồi đó!

4. Giò hoa ngũ sắc

Nguyên liệu

  • Trứng gà: 3 quả to,nhỏ thì 4 quả
  • Giò sống: 300gr
  • Trứng muối: 4-5 quả
  • Đậu Hà Lan: 6 quả (nếu không có đậu Hà Lan thì thay bằng đậu đũa)
  • Cà rốt: 1/2 củ
  • Mộc nhĩ: 4-5 cái
  • Tai lợn: 1/2 cái
  • Rau mùi, đầu hành vài cọng
  • Gia vị: bột nêm, hạt tiêu
  • Giấy nhôm hoặc lá chuối để gói

Cách làm

Mộc nhĩ ngâm nước, rửa sạch,cắt chân thái nhỏ.

Tai lợn rửa thật sạch, luộc chín tới, cắt nhỏ.

Trứng gà đập ra bát to, thêm chút bột nêm đánh tan, thêm vài giọt màu điều cho màu trứng đẹp (nếu muốn trứng tráng dai và mịn thêm 1/2 thìa cà phê bột năng, đánh tan với trứng lọc qua một lần rây) cho chút dầu ăn ra chảo, đợi dầu nóng thì đổ trứng vào láng mỏng, gắp trứng thật khéo ra đĩa tránh trứng bị rách.

Đậu Hà Lan tước gân rửa sạch, cắt làm đôi.

Cà rốt gọt vỏ, thái nhỏ.

Rau mùi, cọng hành hoa rửa sạch để ráo nước thái rối.

Đem trộn tất cả các nguyên liệu với nhau vào một tô lớn: giò sống, mộc nhĩ, tai lợn, cà rốt, đậu Hà Lan, rau mùi ta, cọng hành hoa, thêm vào 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, chút xíu bột nêm hoặc nước mắm. Trộn thật đều các nguyên liệu.

Đặt một miếng giấy bạc ra một mặt phẳng (nếu có lá chuối gói giò sẽ ngon và thơm hơn, nhưng trước khi gói đem hơ qua lá chuối với lửa để khi gói dễ hơn), đặt miếng trứng vừa rán lên trên miếng giấy bạc, phết đều nguyên liệu giò sống vừa trộn lên mặt miếng trứng, xếp trứng muối vào thành một đường thẳng nằm chính giữa miếng trứng, từ từ cuộn lại (gần như cuộn sushi).

Sau đó bọc lại bằng giấy bạc, chỉnh lại cho tròn đẹp, gấp hai bên đầu lại.

Đặt giò vào xửng hấp, lửa trung bình trong khoảng 25-30p, gắp giò ra đĩa để thật nguội cắt khoanh tròn. Có thể để vào ngăn mát 15p trước khi mang ra cắt, khi đó giò sẽ dễ cắt hơn.

5. Nem cua bể

Nguyên liệu:

  • Thịt lợn nạc vai :250gr
  • Cua biển : 1 con
  • Trứng gà 3 quả
  • Su hào, cà rốt – mỗi loại một củ
  • Bánh đa nem thường hoặc bánh ram của Hà Tĩnh,cứ chuẩn bị một gói.
  • Giá :50 gr
  • Miến: 10gr
  • Nấm hương: 10 gr
  • Mộc nhĩ: 10gr
  • Tỏi, hành tím, đu đủ xanh, cà rốt
  • Nước mắm, bột nêm, tiêu, muối, dấm, chanh

Cách làm:

Cua biển rửa sạch,luộc chín và gỡ lấy thịt.

Thịt heo rửa sạch, băm nhỏ.

Su hào, cà rốt các bạn gọt vỏ, rửa sạch rồi bao sợi nhuyễn. Miến, nấm hương, mộc nhĩ ngâm với nước nóng cho nở, ngâm riêng mỗi loại vào bát to. Miến cắt khúc nhỏ, nấm hương, mộc nhĩ băm nhỏ. Giá rửa sạch, thái nhỏ

Cho thịt lợn, thịt cua, cà rốt, su hào, nấm, giá và đập trứng gà vào trộn thật đều, nêm thêm muối, hạt nêm, tiêu vào và đảo đều tiếp sao cho tất cả ngấm đều gia vị.

Bạn cho giấm vắt chanh vào bát nhỏ. Nhúng bánh tráng vào để khi rán giòn hơn hoặc xát quả cà chua lên bánh (đối với bánh tráng thường nhé) còn nếu dùng bánh tráng của Hà Tĩnh khônh cần làm gì, cứ thế gói thẳng, nem rất giòn và không bị vỡ.

Trải bánh tráng ra mặt phẳng rồi cho nhân vào giữa, dẹp đều, gấp 4 góc lại thành hình vuông.

Cho dầu vào chảo, dầu sôi già mới cho nem vào rán, lật đều các mặt đến khi nem vàng ươm, chín đều và giòn rụm thì cho ra đĩa đã lót giấy thấm dầu. Bạn lấy dao cắt nem ra làm đôi hoặc làm 4 tùy khẩu vị. Tiếp theo bạn xếp rau sống lên đĩa rồi cho nem lên trên.

Pha nước chấm chua ngọt: Gồm đu đủ xanh, cà rốt đem gọt vỏ, rửa sạch rồi thái lát mỏng. Cho chút nước mắm, chanh, đường, hạt nêm, nước dùng vừa đủ lên đun, nước sôi cho đu đủ, cà rốt thái lát vào trần qua cho ngấm. Đổ nước chấm ra bát nhỏ. Băm ớt, tỏi vào bát nước chấm nếu thích.

6. Xôi chim

Nguyên liệu

  • Gạo nếp: 500gr
  • Chim sẻ (chim ngói, chim bồ câu…): 2 con
  • Mỡ lợn (nếu không có thì cho dầu ăn nhưng kinh nghiệm của mình cho mỡ vào xôi sẽ thơm và ngon hơn là dầu)
  • Hành củ: 2 lạng
  • Hạt tiêu, hạt nêm, bột nghệ, gừng

Cách làm:

Ngâm gạo 8 tiếng hoặc để qua đêm, vo gạo thật sạch để ráo cho một nhúm muối nhỏ vào xóc đều để khoảng 30p trước khi đồ.

Chim làm sạch, chà gừng vào rửa cho bớt tanh, lọc lấy thịt (nếu là chim sẻ hoặc chim ngói thì băm cả xương) băm nhỏ, ướp thịt chim với hạt nêm, hạt tiêu, gừng băm nhuyễn và một chút bột nghệ để thịt chim ngấm gia vị trong 30p.

Phi thơm hành tỏi cho thịt chim vào đảo, đến khi thịt chim săn vào là được (nên xào lửa to một chút để thịt chim ráo nước), đổ thịt chim ra và băm thêm một lần nữa lúc này thịt chim đã chín mềm nên băm nhỏ sẽ nhanh hơn.

Mọi người nhớ làm thêm công đoạn làm hành khô nhé. Hành khô bóc vỏ, thái mỏng, dùng dầu phi vàng, giòn.

Chuẩn bị mỡ lợn cho vào chảo đảo chút hành khô, để riêng ra bát nhỏ.

Gạo sau khi ráo nước và ngấm muối ta đổ vào chõ để đồ, thỉnh thoảng sau 15p lại đảo xôi một lần, sau 30p đảo xôi một lần nữa và rải thịt chim lên trên bề mặt xôi, vẩy thêm chút nước rồi đậy vung để thêm 15p.

Xôi chín đảo nhanh tay phần xôi và thịt chim trộn đều với nhau, tắt bếp, rưới phần mỡ hành lên xôi trộn đều. Vậy là xong món xôi chim. Xôi chim sẽ rất dẻo thơm, ngọt béo, có màu vàng của nghệ tẩm ướp với thịt chim hoà quện với màu trắng của xôi.

7. Thịt nấu đông

Nguyên liệu

  • 1 cái chân giò lợn (khoảng 1kg hoặc nặng hơn chút gồm cả phần đùi và móng)
  • 5-6 cái mộc nhĩ
  • 5 cái nấm hương
  • 4 củ hành tím
  • Gia vị: hạt tiêu, bột nêm ( hạt tiêu dùng tiêu bắc tự rang ,tự xay qua cho thơm nhé), nước mắm ngon, dầu ăn.
  • 1/2 củ cà rốt để tỉa hoa trang trí

Cách làm

Đối với thịt chân giò, bạn nên chọn miếng thịt tươi ngon, sờ vào rắn chắc, thớ thịt màu đỏ hồng, không có mùi ôi. Trước khi chế biến đem chần qua rửa sạch để giúp cho thịt được sạch, có mùi thơm ngon.

Thịt chân giò cạo sạch lông, rửa sạch, lọc lấy phần thịt. Phần móng chặt nhỏ.

Cho tất cả phần thịt và xương đã lọc xong vào nồi to, thêm nước sôi vào chần qua để loại bớt mùi hôi, gân máu và sạch bụi bẩn, sau đó rửa lại lần nữa bằng nước lạnh.

Cho phần xương vào nồi, thêm nước vào và ninh lấy nước dùng. Ai không thích làm phần này thì có thể bỏ qua nhé, mình tiếc phần xương nên tận dụng để lấy phần nước ngọt từ xương. Xương ninh xong sau 30-45p chắt lấy phần nước còn phần xương bỏ đi.

Phần thịt đã lọc xong thì ướp với chút hạt tiêu, chút bột nêm, chút nước mắm, 1/2 hành tím băm nhỏ cho ngon. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nở, rửa sạch, cắt chân và thái nhỏ. Hành tím đập dập, băm nhỏ.

Cho nồi lên bếp, phi thơm hành tím,sau đó đổ hết phần thịt đã ướp gia vị trước đó vào xào săn. Đổ hết phần nước ninh xương vào xăm xắp thịt. Nếu ít nước thì cho thêm nước, ngập thịt, nấu 40-50 phút ở lửa vừa cho đến khi thịt chín mềm là được.

Có thể dùng nồi áp suất hầm (khoảng 20 phút) để tiết kiệm thời gian. Khi cho vào nồi không đóng vung vội mà để thịt sôi, hớt sạch bọt rồi mới đậy chặt vung cho nước được trong.
Khi thịt chín mềm thì nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi cho tiếp mộc nhĩ và nấm hương vào, nấu thêm một lúc nữa.

Lưu ý: Không nêm mặn quá để còn chấm thịt với nước mắm. Muốn nước thịt được trong thì thỉnh thoảng mở vung hớt sạch bọt nhé (nếu dùng nồi thường).

Tỉa hoa cà rốt, cho vào nồi nước trần qua.

Chuẩn bị bát to, xếp hoa cà rốt xuống đáy, rắc thêm chút hạt tiêu rồi múc thịt vào bát. Lần lượt cho đến hết thịt trong bát. (Nếu nhiều có thể chia đều ra). Dùng một cái rây đặt lên bát thịt, đổ phần nước qua rây để lược bỏ phần cặn làm cho nước thịt đông được trong hơn.

Mùa này làm xong cứ để thịt bên ngoài cho nguội và đông lại, sau đó mới bọc kín để ngăn mát tủ lạnh ăn dần.

Đĩa thịt đông mà dọn ăn kèm dưa cải chua hay dưa kiệu nhà làm thì ngon phải biết.

8. Nem rán thập cẩm

Nguyên liệu:

  • Dùng vỏ bánh ram của Hà Tĩnh nem sẽ rất giòn, nếu không có dùng vỏ bánh thường (chuẩn bị một tệp)
  • Mộc nhĩ: 5-7 cái
  • Nấm hương: 10 cái
  • Thịt lợn xay: 200gr
  • Thịt bò xay: 200gr
  • Tôm tươi: 150gr
  • Miến : 30gr
  • Trứng gà : 3 quả (nếu trứng to thì 3 quả, trứng nhỏ 4 quả)
  • Giá đỗ: 50gr
  • Su hào, cà rốt, củ đậu: mỗi thứ 1/2 củ
  • Hành tây: 1/2 củ
  • Rau thơm: rau mùi ta, hành lá, hành củ
  • Gia vị: hạt tiêu, bột nêm…

Cách làm:

Thịt lợn, thịt bò xay nhỏ (để tiết kiệm thời gian có thể mua sẵn).

Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nở, thái nhỏ.

Tôm tươi bóc vỏ băm nhuyễn.

Su hào, cà rốt, củ đậu gọt vỏ, rửa sạch bào sợi nhỏ (riêng củ đậu bào sợi xong thì vắt bớt nước).

Miến ngâm nở: thái khúc dài 5-6cm.

Giá đỗ, rau mùi, hành lá rửa sạch thái nhỏ.

Hành tây bỏ lớp vỏ bên ngoài, thái nhỏ.

Xếp từng loại nguyên liệu đã chế biến xong vào một cái bát to: thịt bò, thịt lợn xay, tôm, hành tây, su hào, cà rốt, củ đậu, mộc nhĩ, nấm hương, giá đỗ, hành lá, rau mùi, đập trứng vào rồi thêm 3 thìa cà phê bột nêm, 1 thìa cà phê hạt tiêu trộn thật đều. Phần nhân rất quan trọng, không được khô quá và không được ướt quá, nếu ướt quá khi rán nen sẽ hay bị vỡ, khô quá ăn sẽ không ngon.

Cách gói: Đặt bánh đa nem lên một mặt phẳng, cho nhân vào giữa rồi cuộn lại, nên cuộn bánh nhỏ nem sẽ ngon và giòn hơn. Lần lượt cuộn nem đến hết.

Cho dầu vào chảo, đợi dầu nóng già cho nem vào rán sơ qua, khi nào ăn rán lại nem sẽ giữ được độ giòn.

9. Thịt kho tàu

Nguyên liệu cần có:

  • Thịt lợn ba chỉ: 500g
  • Trứng gà 4 quả hoặc trứng cút 15 quả
  • Nước mắm ngon
  • Nước dừa tươi: 1 quả
  • Tỏi, ớt, hành lá, đường
  • Gia vị kho thịt: Muối, mì chính, hạt tiêu, dầu ăn

Cách làm thịt kho tàu ngon

Bước 1: Ướp thịt

Thịt ba chỉ mua về cạo sạch lông, rửa sạch rồi ngâm trong nước muối ấm khoảng 5 phút khử mùi hôi. Sau khi làm sạch, thái miếng vuông to.

Cho thịt lợn thái miếng vào tô sau đó ướp cùng 2 thìa nước mắm, 1 thìa đường, ½ thìa muối, mì chính, thêm tỏi băm, hạt tiêu, 1 thìa dầu ăn sau đó đảo đều để ngấm trong 30 phút.

Lưu ý: Trong bước ướp thịt này, không nên cho hành tím vào ướp chung vì kho thịt lâu sẽ có mùi nồng và chua của hành làm món ăn mất đi vị thơm ngon

Bước 2: Luộc trứng

Trong lúc chờ thịt ngấm gia vị, cho trứng gà vào nồi luộc chín, sau đó bóc sạch vỏ để ra bát.

Để trứng dễ bóc và không bị vỡ khi luộc, cho thêm chút muối và dấm gạo vào nồi.

Với cách nấu thịt kho tàu miền Bắc thì sau khi bóc sạch vỏ bạn có thể cho trứng vào chiên sơ vàng để tăng độ dai giòn.

Bước 3: Chưng nước màu

Cho đường vào chảo đun sôi, đảo đều đến khi đường có màu cánh gián, sau đó cho từ từ khoảng 1 bát tô nước đủ để kho thịt. Có thể cho thêm một chút dầu ăn vào khi đun đường để tránh bị cháy.

Bước 4: Nấu thịt kho tàu

Bắc nồi lên bếp, cho một chút dầu ăn vào đun nóng sau đó cho thịt lợn đã ướp vào đảo đều cho săn lại, thêm chút xíu mắm cho món thịt kho đậm đà.

Tiếp đó bạn cho nước màu và nước dừa xâm xấp mặt thịt đun đến khi sôi vặn lửa nhỏ trong khoảng 1 tiếng rưỡi. Khi kho dùng thìa hớt bọt để món ăn được đẹp mắt.

Trường hợp kho thịt không có nước dừa, thì tăng thêm lượng nước màu để món thịt có vị ngọt hơn, món ăn vẫn ngon.

Trước khi tắt bếp, thả trứng gà vào đun sôi nhỏ lửa 15 phút là trứng và thịt đã ngấm đều.

Đặc biệt: Để thịt heo kho tàu nhanh mềm mà không mất nhiều thời gian, có thể cho thêm chút baking soda (dùng cho thực phẩm) vào kho thì thịt sẽ nhanh nhừ hơn.

10. Giò thủ (giò xào)

Nguyên liệu

  • Tai heo: 500 g
  • Lưỡi heo: 500 g
  • Thịt chân giò: 300 g
  • Nấm mèo: 50 g
  • Nấm hương: 100 g
  • Hành tím: 2 củ
  • Lá chuối (hoặc khuôn inox, chai nhựa)
  • Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu

Cách làm

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Ngâm nấm mèo trong nước nóng khoảng 10 phút để nở hoàn toàn. Sau đó, đem cắt bỏ chân, rửa sạch và thái sợi nhỏ. Cách làm tương tự đối với nấm hương.

Rửa sạch tai heo, lưỡi heo và thịt chân giò với nước muối loãng. Sau đó cho tất cả vào luộc sơ qua, bỏ thêm vào một thìa muối và một thìa giấm (không nên luộc riêng từng bộ phận mà nên luộc chung với nhau, sẽ ngon và đậm vị hơn. Nếu luộc riêng, thịt dễ bị nhạt). Khi nước sôi thì tắt bếp, vớt tất cả ra ngâm với nước lạnh để thịt không bị thâm.

Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, đập dập và cắt nhỏ.

Bước 2: Ướp và xào thịt

Thái nhỏ tai heo, lưỡi heo và thịt chân giò thành miếng vừa ăn rồi tiến hành tẩm ướp với 1 thìa hạt nêm, 1 thìa nước mắm, ½ thìa đường, 1 thìa hành tím băm nhỏ và 1 thìa hạt tiêu. Trộn đều cho thịt ngấm vị. Để khoảng 30 phút là được.

Đặt chảo lên bếp, cho vào một thìa dầu ăn. Đợi cho dầu sôi thì bạn cho vào một thìa hành tím băm nhỏ vào phi thơm.

Khi hành đã dậy mùi thơm thì cho tất cả thịt heo vào xào, cho thêm một chút hạt nêm và nước mắm sao cho phù hợp với khẩu vị. Bạn cần đảo đều tay để thịt ngấm gia vị và chín đều. Sau khi thịt heo đã săn lại thì cho nấm mèo và nấm hương vào xào cùng.

Lưu ý: Đun lửa vừa cho đến khi thịt heo ra mỡ và nấm thấm gia vị thì tắt bếp. Không nên xào quá chín sẽ khiến giò bị khô, cứng.

Bước 3: Cách gói giò thủ

Ở bước này, bạn có thể lựa chọn gói giò bằng khuôn, bằng lá chuối hoặc bằng chai nhựa:

Gói giò xào bằng khuôn inox

Chuẩn bị một chiếc khuôn inox đã được rửa sạch.

Lót nilon vào đáy khuôn hình trụ. Sau đó, nhồi thật chặt tay phần nguyên liệu giò thủ vừa xào vào khuôn. Nếu có thể, đặt một vật nặng phía trên để nén chặt giò xào bên trong.

Gói giò thủ bằng chai nhựa:

Bạn rửa sạch chai nhựa, đem phơi ráo nước rồi cắt bỏ phần đầu chai. Đục vài lỗ nhỏ ở đáy chai để giò có chỗ thoát khí.

Khi thịt vẫn còn nóng, bạn bắt đầu cho vào chai và nén thật chặt để thịt lấp đầy chai, không có kẻ hở (có thể dùng chày để nén cho chặt). Sau đó dùng túi nilon hoặc lá chuối bọc phần miệng chai lại.

Gói giò thủ bằng lá chuối

Lá chuối rửa sạch, đem phơi khô.

Trước khi gói, để làm lá chuối mềm hơn và giúp việc cuốn thịt dễ dàng, bạn hơ nhanh lá chuối trên lửa nhỏ.

Trải lá chuối ra, đổ hết phần thịt đã xào lên. Gói lá chuối lại rồi dùng dây lạt hoặc dây nilon để cột chặt giò thủ để định hình cho cây giò thẳng, không bị méo.

Lưu ý: Nên gói giò khi giò còn nóng để có độ kết dính. Gói lá chuối thật chặt tay để thành phẩm sau khi hoàn thành tròn đều, đẹp mắt.

Sau khi gói xong, đợi thịt nguội thì cất giò vào trong ngăn mát tủ lạnh, khoảng 8 tiếng thịt đông lại là dùng được. Có thể bảo quản được trong vòng 1 tuần.

11. Heo quay giòn bì

Nguyên liệu:

  • 1 miếng ba chỉ heo cỡ 1kg
  • 2 nhánh sả, 1 củ hành tây, 1 củ gừng tươi, 3-4 lá chanh tươi
  • Muối

Cách làm:

Các mẹ dùng dao cạo sạch lớp bẩn trên da heo, rửa sạch miếng thịt rồi lau ráo, khứa vài đường trên miếng thịt để khi cắt miếng thịt được dễ dàng, không bị nát nhé.

Sả cây rửa sạch, đập dập. Gừng rửa sạch, thái lát. Hành tây thái lát.

Nấu 1,5 lít nước cùng 1 thìa cà phê muối, thêm sả đập dập, gừng và lá chanh tươi nồi, nấu sôi.

Cho thịt heo vào luộc khoảng 20 phút. Tới khi thịt chín khoảng 70 – 80% thì với ra. Sau đó dùng nỉa xiên lên bì, xiên càng nhiều thì bì càng nổ đẹp. Rồi thêm muối vào, chà xung quanh miếng thịt.

Cho miếng thịt lên khay, dùng khăn giấy thấm khô lớp nước đọng trên bè mặt miếng thị để khi quay heo không bị bắn dầu.

Bắc chảo lên bếp, thêm dầu, khi dầu nóng thì thả miếng thịt vào, các mẹ nên quay phần bì trước nhé, thả mặt có bì vào ngập dầu tới khi bì phồng rộp, nổ đều thì trở thịt, chiên tiếp.

Trở qua trở lại cho tới khi miếng thịt chín 100% có màu vàng đẹp thì gắp ra, để ráo dầu rồi thái miếng vừa ăn.

Vậy là các mẹ đã có món heo quay da giòn ngon đúng chuẩn như ngoài hàng mà không cần đến lò nướng rồi. Miếng heo quay sẽ giòn da mà không hề làm khô thịt đó.

12. Thịt xá xíu

Nguyên liệu:

  • Thịt nạc vai giòn (hoặc thịt mông): 1kg
  • Ngũ vị hương: 2 thìa
  • Tương hột Cholimex: 2 thìa (dằm nhuyễn)
  • Dầu hào: 1 thìa
  • 1 viên đường thốt nốt hoặc mật ong (không nên cho nhiều dễ bị cháy)
  • 1 thìa nước tương Kikkoman (light soy)
  • 2 thìa sốt ướp đồ nướng
  • 30ml rượu mai quế lộ, bột nêm, dầu ăn oliu
  • 1 ít bột gạo đỏ

Cách làm:

Thịt mua về các bạn xát muối, rửa sạch rùi cắt thịt thành những miếng dài dọc theo thớ thịt có độ dày khoảng 3cm rùi để ráo.

Chuẩn bị 1 cái bát con và pha gia vị để ướp thịt gồm các nguyên liệu với tỷ lệ như trên, khuấy đều đến khi hỗn hợp thành 1 khối đồng nhất.

Cho thịt vào 1 cái bát tô và trút gia vị ướp thịt vừa pha vào. Đeo bao tay vào trộn và bóp đều để hỗn hợp gia vị ngấm sâu vào miếng thịt.

Thời gian ướp thịt có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của món ăn đấy các bạn ạ. Ướp thịt đủ lâu miếng thịt sẽ mềm đậm đà và thơm ngon. Dùng màng bọc thực phẩm đậy kín miệng bát và ướp thịt trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 6-7 tiếng trước khi đem nướng để miếng thịt được ngấm gia vị.

Cho thịt vào lò nướng, nướng ở nhiệt độ 190 độ, khoảng 20 phút thì cho ra nhúng vào bát nước ướp, mình lặp đi lặp lại 4 lần đến khi thịt chín, màu đỏ đẹp là được.

Tùy lò nướng và độ dày của miếng thịt mọi người có thể thay điều chỉnh nhiệt độ và thời gian nướng phù hợp nhé.

Đợi thịt nguội bớt rùi dùng dao thái thành từng miếng vừa ăn. Chỉ với vài bước đơn giản, món thịt xá xíu ngon tuyệt đã hoàn thành và sẵn sàng để thưởng thức rồi.

13. Chân giò rút xương

Nguyên liệu:

  • 1 chân giò heo khoảng 1,5 kg
  • 300gr khoai tây
  • 100gr hành tây
  • 500gr cà chua
  • 10 tai nấm đông cô
  • 200gr cà rốt
  • 100g đậu Hòa Lan
  • Hành, ngò, gia vị, xì dầu, dầu chiên

Cách làm:

Chân giò làm sạch lông, rửa sạch, để ráo.

Rút xương: dùng dao thật bén nhọn, lưỡi mỏng, xắn từng phần nhỏ thịt bao quanh chóp xương, rạch lưỡi dao sâu lần xuống, bám đầu mũi dao sát vào xương, làm đến đâu lột phần thịt ra ngoài đến đó, xắn đứt phần thịt được chừng 5 phân, tay trái cầm chóp xương, tay phải vẫn dùng dao xắn tiếp phần thịt bám quanh xương, làm hết đoạn xương trên, cắt sụn, gân ở khớp, làm tương tự ở khúc xương sau cho đến hết, để phần xương ở đầu móng lại, làm xong, chân giò lộn trái phần nạc ra ngoài đến xương móng.

Băm nhuyễn ít tỏi, trộn đều với ít muối, tiêu, bột ngọt, xì dầu. Ướp hỗn hợp này trong ngoài hai mặt chân giò, khi ướp, dùng tay xát mạnh cho gia vị thấm đều. Ướp xong, lộn phải chân giò lại. Để chân giò đã ướp trong khoảng nửa giờ. Đặt chân giò ướp gia vị trong một cái rá, đậy kín, cho chân giò ráo nước hoàn toàn.

Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng.

Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, tỉa hoa, cắt khoanh dày.

Hành tây lột vỏ, chẻ 8.

Đậu Hà Lan rửa sạch.

Cà chua bỏ hột, xay nhuyễn.

Nấm đông cô rửa sạch, cắt đôi.

Khi chân giò đã thấm gia vị, lấy ra dùng dao bén rạch nhiều nhát sâu cỡ nửa phân, cách nhau chừng 1 phân vào 2 mặt chân giò.

Bắc chảo lên bếp, cho dầu chiên vào, lượng dầu vừa đủ ngập chân giò. Dầu nóng, cho chân giò vào chiên vàng đều hai mặt, vớt ra, để ráo dầu mỡ trong một cái rá (chỉ chiên vàng mặt da, không chiên chín).

Bắc nồi lớn lên bếp, cho một muỗng dầu ăn vào, dầu nóng, đổ cà chua xay nhuyễn vào, nêm muối, đường, bột ngọt vừa miệng, cà chua sôi, cho chân giò vào để trong vài phút cho chân giò thấm cà chua, rồi đổ nước vào ngập chân giò, hầm chân giò trong khoảng 45 phút đến một giờ, chân giò mềm.

Khi hầm nhớ trở đều chân giò. Khi chân giò mềm, cho cà rốt, khoai tây, đậu Hòa Lan, nấm vào. Vài phút sau thấy các thứ đậu củ vừa mềm, cho hành tây vào. Thăm chừng nước để đến khi chín hoàn toàn, mực nước còn ngập lưng chân giò. Nêm lại.

14. Khô gà lá chanh

Nguyên liệu

  • 2-3 cái ức gà
  • 10 cái lá chanh
  • Gia vị: ngũ vị hương, dầu điều, gừng, sả, ớt quả, ớt quả khô, hành củ tím, nước mắm, đường, bột canh

Cách làm

Ức gà mua về rửa sạch, cắt bỏ phần thừa, đem luộc với hai củ hành tím đập dập, một miếng gừng nhỏ đập dập, gừng và một củ sả, 1 thìa cà phê bột canh. Trong quá trình luộc hớt sạch bọt nổi lên.

Ức gà chín vớt ra một bát nước lạnh có đá, đợi ức gà hết nóng thì vớt ra để ngăn mát tủ lạnh khoảng 15-20 cho ức gà săn lại dễ xé sợi (dùng ức gà ta là ngon nhất vì sẽ dai hơn ức gà công nghiệp, trường hợp không có ức gà ta dùng ức gà công nghiệp cũng được nhưng thịt sẽ bở hơn).

Thịt để ngăn mát tủ lạnh 15-20p mang ra xé sợi nhỏ.

Cách làm dầu điều: cho lượng dầu vào nồi đế dầy và chống dính để tránh bị cháy, cho điều vào cùng lúc với dầu ăn ngay từ đầu chứ không cần đợi dầu sôi với cho điều vào, thỉnh thoảng đảo đều cho màu điều tiết ra, thấy màu đỏ vàng rực thì bắc ra khỏi bếp (trong quá trình đun cũng nên để lửa nhỏ vừa tranh dầu bắn tung toé). Lúc dầu bắc ra khỏi bếp còn sôi nóng thì nhanh tay đập vài nhánh tỏi vào để tỏi khử mùi hôi của dầu điều, lọc dầu qua rây cất vào lọ dùng dần. (tỉ lệ cứ cho 1 thìa hạt điều và hai thìa dầu và không đun quá 10p).

Đặt chảo khác lên bếp (nên dùng chảo to và chảo chống dính đảo cho dễ) đổ 1 thìa canh dầu điều vào chảo, thêm hai thìa canh dầu ăn, đợi dầu nóng cho tỏi vào phi thơm, tiếp đó là ớt quả cắt nhỏ, ớt quả khô, đảo thật đều và nhanh tay, tiếp đến cho 1/2 thìa cà phê bột ngũ vị hương, sả cắt lát mỏng và 3 thìa canh nước mắm ngon (nước mắm mặn chỉ cho hai thìa canh), đảo nhanh các nguyên liệu rồi cho vào 2-3 thìa canh nước luộc ức gà còn giữ lại, thêm 3 thìa canh đường (ăn ngọt hơn thì cho 4 thìa canh).

Đường tan thì đổ hết phần ức gà đã xé sợi vào đảo thật đều, này cũng cho hết phần lá chanh vào cho lá chanh ngấm vào thịt gà, lá chanh thì cắt làm đôi, hạ nhỏ lửa, cứ đảo như vậy đến khi thịt gà khô là được. Ai có lò nướng thì lúc thịt gà gần khô chút hết ra khay, vặn lò xuống 110-120 độ,để hé cửa lò sấy trong 40p, cứ 15p đảo một lần cho đến khi thịt gà khô hẳn.

15. Gỏi cuốn tôm thịt

Nguyên liệu:

  • Tôm (chọn loại tôm vừa và tươi ngon)
  • Thịt ba chỉ hoặc thịt chân giò
  • Cà rốt
  • Dưa chuột
  • Trứng gà
  • Bột ngô
  • Bánh tráng
  • Cây hẹ
  • Xà lách và rau thơm các loại, giá đỗ.
  • Bạn nào thích ăn chua một chút cho thêm dứa, thêm dưa chuột nữa nhé. Hoặc thích thêm bún rối thì cho vào.

Cách làm:

Thịt ba chỉ hoặc chân giò rửa sach, luộc chín vớt ra một bát nước đá để thịt trắng hơn.

Tôm luộc chín (cách luộc tôm đỏ và ngọt: với 1 kg tôm cho 1/2 bát nước+1/3 bát dấm+2 thìa cà phê muối), tôm luộc chín vớt ra một cái bát nước có thả vài viên đá để tôm được chắc thịt, tôm lột vỏ, con to chẻ làm đôi, con nhỏ để cả con.

Cà rốt bào sợi. Dưa chuột thái sợi.

Đập trứng gà ra bát đánh tan cho thêm chút nước mắm hoặc bột canh. Các bạn muốn tráng trứng thật mỏng để thái sợi thì dùng chảo chống dính, lau qua chảo bằng một lớp dầu ăn mỏng.

Lấy một bát nhỏ cho nước đun sôi để nguội vào, khoảng 1/3 bát nhỏ, sau đó hoà 1/2 thìa canh bột ngô vào, hoà tan bột rồi đổ vào bát trứng đã đánh tan, trộn đều dùng muôi múc ra chảo láng đều đậy vung khoảng 1-2 phút rồi dùng thìa lách đều xung quanh viền trứng, úp ngược chảo ra đĩa to để trứng rơi xuống giống như mình làm bánh cuốn tráng chảo. Cứ làm như vậy thành nhiều lớp cho đến hết trứng, để nguội cắt đôi rồi thái sợi.

Cho chút nước vào bánh tráng, chú ý cho đều nhất ở các mép của bánh tráng, xếp lần lượt rau xà lách, dưa chuột, cà rốt, trứng, thịt, rau thơm…, tôm để phần thịt đỏ xuống dưới cho đẹp mắt, thêm nhánh hẹ và cuộn.

Món này mình chấm mắm nêm hoặc nước mắm chua ngọt:

Cách làm nước mắm chua ngọt: pha một thìa nước mắm + 1-1,5 thìa đường + 1 thìa dấm (hoặc chanh, quất) + 4-5 thìa nước. Hoà nước lọc với đường cho tan hết, sau đó cho nước mắm và dấm (hoặc chanh, quất). Tỏi ớt băm thật nhỏ rồi cho sau cùng để tỏi, ớt nổi lên trên.

Cách làm nước chấm mắm nêm (mình dùng mắm nêm Dì Cẩn mua tại Đà Nẵng, nếu không có mắm nêm các bạn vào siêu thị mua một chai tương đen dùng để chấm gỏi thì cách pha cũng giống với cách pha mắm nêm nhé):

Một nửa quả dứa chín vắt lấy nước cốt (vắt được khoảng 150ml).

Đặt chảo lên bếp cho 1 thìa dầu ăn vào, dầu sôi cho 1/2 thìa ớt bột, đảo nhanh sau đó đổ nước cốt dứa và 100ml nước mắm nêm, đợi mắm sôi cho thêm 1 thìa đường, 1 thìa bột nêm, nêm nếm vừa ăn (dứa ngọt cho ít đường, còn dứa chua cho thêm đường).

Mắm sôi lại thì tắt bếp, để nguội cho thêm ớt băm và tỏi băm trộn đều.

16. Nộm gà thập cẩm

Nguyên liệu:

  • 300gr: thịt gà (phần đùi hoặc ức tuỳ ý)
  • 1/2 củ cà rốt
  • 1/2 quả xoài xanh
  • 1 quả dưa chuột
  • 100gr hoa chuối
  • Lạc rang
  • Rau thơm: rau húng bạc hà, rau mùi ta…
  • Gia vị: tỏi, ớt, chanh, nước mắm, đường cát…

Cách làm:

Thịt gà luộc chín, xé nhỏ vừa.

Hoa chuối thái mỏng ngâm nước muối loãng và chanh chống thâm, rửa sạch để ráo nước.

Cà rốt gọt vỏ bào hoặc thái sợi.

Dưa chuột ngâm nước muối, bỏ ruột thái nhỏ hoặc bào sợi nhỏ.

Xoài xanh gọt vỏ bào hoặc thái nhỏ, ngâm vào nước đá cho giòn ngon.

Các loại rau thơm thái nhỏ theo ý thích.

Lạc rang chín giã dập.

Cách pha nước trộn: 3 thìa canh nước mắm + 3 thìa canh đường + 2 thìa canh nước trắng đun sôi để nguội + 1,5 thìa canh nước cốt chanh (có thể cho ít chanh đi vì đã có xoài xanh) + tỏi, ớt băm nhuyễn. Hoà tan đường với nước mắm, nước cốt chanh rồi cuối cùng mới cho tỏi ớt.

Muốn tỏi ớt nổi lên bát nước chấm thì băm nhỏ tỏi ớt, vắt chanh vào tỏi ớt trước, nước mắm với đường hoà tan, sau cùng mới đổ phần tỏi ớt pha nước cốt chanh vào là nổi.

Cho tất cả các nguyên liệu: thịt gà, hoa chuối, xoài xanh, dưa chuột, cà rốt ra bát to, đổ từ từ phần nước trộn vào, nêm nếm lại cho vừa ăn và theo khẩu vị. Rắc rau thơm trộn đều, cho nộm ra đĩa và rắc lạc rang lên trên.

17. Súp gà ngô non

Nguyên liệu:

  • 1/2 củ cà rốt
  • 7-10 cái nấm hương
  • 1 cái ức gà
  • 1 hộp ngô ngọt mua sẵn (nếu không có mua ngô bắp về gọt lấy phần hạt)
  • 3 thìa canh bột năng
  • Gia vị: bột nêm, hạt tiêu, rau mùi
  • 2 lòng trắng trứng gà ta

Cách làm:

Luộc ức gà giữ lại phần nước luộc hoặc nếu có nước luộc gà sẵn thì càng ngon ngọt,ức gà chín để nguội xé sợi nhỏ hoặc thái nhỏ.

Cà rốt thái nhỏ hoặc xắt hạt lựu.

Ngô ngọt mở hộp lấy 1/2 lon rửa lại nước, nếu dùng ngô bắp lấy dao bào lấy phần thịt, đem luộc chín vớt ra để ráo.
Nấm hương ngâm cho nở,rửa lại thật sạch thái sợi. Rau mùi thái nhỏ.

Cho nước luộc ức gà hoặc nước luộc gà vào nồi đặt lên bếp, thêm chút nước nếu nước luộc ức gà ít, nước sôi hớt sạch bọt, lần lượt cho ngô ngọt vào trước, tiếp đến là cà rốt, nấm hương, đun sôi các nguyên liệu và chịu khó hớt bọt để nồi súp ngon và đẹp mắt hơn. Sau đó mới cho phần ức gà đã xé sợi nhỏ hoặc thái nhỏ vào, đảo đều, cho chút bột nêm, nêm nếm cho vừa miệng.

Cho 3-4 thìa canh bột năng ra bát nhỏ, thêm chút nước khuấy cho tan.

Hạ nhỏ lửa nồi súp, một tay cầm bát bột năng, một tay cầm thìa, từ từ đổ bột năng vào nồi súp, tay đổ tay khuấy, để tránh bột năng bị vón cục, nhớ rót từ từ để kiểm soát được độ loãng đặc, đến khi nồi súp sánh như ý muốn thì dừng lại, còn nếu loãng quá thì thêm chút bột năng hoà thêm nước.

Trứng gà đập ra bát, chỉ lấy lòng trắng, nếu trứng gà ta quả nhỏ lấy hai lòng trắng, to thì chỉ cần 1 quả, thêm chút xíu bột nêm, đánh đều lọc qua một lần rây. Cũng một tay khuấy, một tay đổ, cứ từ từ đổ vào và khuấy theo chiều kim đồng hồ để tạo vân cho nồi súp đến khi hết thì thôi, lúc này ta đã có một nồi súp có vân trắng rất đẹp mắt.

Bắc nồi súp xuống, đổ rau mùi thái nhỏ vào khuấy đều, nếu không thích cho ngay rau mùi vào nồi súp thì mọi người có thể rắc vào bát ăn cũng đc, thêm chút hạt tiêu lên trên và ăn nóng.

18. Miến trộn thập cẩm

Nguyên liệu

  • 200gr miến Hàn Quốc
  • 150gr thịt thăn bò
  • 200gr cải bó xôi hoặc rau cải ngọt
  • 1/2 củ cà rốt
  • 1/2 củ hành tây
  • 1 gói nấm kim châm
  • 3 cái mộc nhĩ
  • 1 quả dưa chuột
  • 2 quả trứng gà
  • Vài cái nấm hương (nấm đông cô)

Cách làm

Thịt bò rửa sạch thái chỉ ướp với 1 canh xì dầu, 1 thìa canh dầu ăn, 1/4 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa canh dầu hào.

Đun sôi nồi nước cho vào chút muối, cho miến vào chần khoảng 3 phút vớt ra để ráo.

Tách riêng lòng trắng và lòng đỏ của hai quả trứng gà, rồi tráng riêng lòng đỏ, lòng trắng sau đó thái chỉ. Hoặc đánh tan lòng trắng với lòng đỏ tráng rồi thái chỉ.

Thịt bò sau khi ướp gia vị trong 15 phút, cho chút dầu vào chảo và xào thịt bò với lửa to, chín tới.

Rau cải bó xôi rửa sạch, cắt khúc vừa ăn đem chần qua với nước sôi.

Mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, thái sợi nhỏ. Cà rốt bào sợi hoặc thái chỉ. Nấm kim châm cắt chân rửa sạch. Dưa chuột bỏ ruột thái sợi. Hành tây thái nhỏ. Làm nóng chảo xào nhanh tay từng loại, xào với lửa to, chín tới.

Pha hỗn hợp nước trộn: 4 thìa canh nước tương (xì dầu), 1 thìa canh đường, 2 thìa canh dầu mè, 1 bát con nước (bát ăn cơm), 2 thìa cà phê vừng trắng, 1 thìa canh dầu ăn. Khuấy đều các nguyên liệu.

Cho hỗn hợp nước trộn lên chảo, đun sôi rồi cho miến đã chần vào xào với lửa to, đảo liên tục, nước cạn, sợi miến dính chảo là được.

Đợi miến gần nguội thì cho tất cả các nguyên liệu vào âu to hoặc bát to, riêng lòng trắng và lòng đỏ trứng để riêng trộn sau cùng tránh bị nát. Đi bao tay vào trộn thật đều. Nếu nhạt thì cho thêm chút nước tương.

Bày miễn ra đĩa và rắc thêm chút vừng rang lên trên cho hấp dẫn hơn.

19. Móng giò ngâm chua ngọt

Nguyên liệu:

  • Móng giò: 500gr
  • Giấm, sả, ớt, gừng, tỏi, ớt
  • Nước mắm, đường, hạt tiêu bắc, tương ớt
  • 1/2 củ cà rốt

Cách làm:

Móng giò mua về bóp với rượu và gừng, xả thật sạch. Cạo sạch lông và lớp màng bám trên từng móng giò.

Đun sôi nồi nước thả móng giò vào trần qua cho sạch mùi hôi và bụi bẩn. Vớt ra để ráo.

Luộc móng giò: đun sôi nồi nước, thả vào đó một nhánh gừng, 1 thìa cà phê muối, một cây sả đập dập, đun sôi thả móng giò vào luộc. Luộc đến khi móng giò chín (thử bằng cách lấy cái đũa xiên qua là được) nhưng không nên để mềm nhũn vì khi ngâm sẽ bị nổi váng, dễ hỏng. (mình luộc khoảng 10-15p, tính từ lúc nước vừa sôi).

Móng giò luộc chín vớt ra bát nước đá, ngâm khoảng 1 giờ, vớt ra để thật khô ráo nước, móng giò càng khô ráo khi ngâm sẽ càng giòn, ngon và để được lâu.

Gừng thái sợi rửa qua một lần nước vớt ra để thật ráo nước (một nhánh nhỏ).

Sả thái mỏng hoặc cắt khúc, chẻ nhỏ (2-3 cây).

Ớt thái lát (1-2 quả tuỳ độ cay).

Cà rốt gọt vỏ, tỉa hình hoa cho đẹp hoặc dùng dao răng cưa để cắt sợi nhỏ.

Nước mắm ngâm: 1 bát ăn cơm nước mắm ngon + 3 bát ăn cơm nước trắng + 1/2 bát ăn cơm giấm + 1/2 bát ăn cơm đường + 3 thìa canh tương ớt để khi ngâm xong lên màu cho đẹp + 1 thìa cà phê hạt tiêu bắc. Khuấy đều, đun sôi và để nguội. Có thể cho thêm 1 thìa cà phê ớt bột nếu thích cay hơn.

Phần hỗn hợp này mình pha theo khẩu vị của mình, mọi ngừoi có thể nêm nếm lại theo khẩu vị của mình. Nhạt thì thêm chút nước mắm, muốn ăn chua hơn cho thêm giấm, mặn thì cho thêm nước, nêm nếm vừa miệng đừng mặn quá hoặc nhạt quá thì khi ngâm xong ăn là vừa, tuỳ khẩu vị .

Sau khi đun sôi xong phần hỗn hợp nước ngâm thì phải để thật nguội.

Xếp móng giò vào lọ thuỷ tinh, một lớp móng giò một lớp sả, gừng và ớt, cuối cùng đổ ngập đổ hỗn hợp ngâm trên móng giò là được. Có thể cho thêm vài lá chanh hoặc vài lát cà rốt tăng thêm độ hấp dẫn cũng như mùi vị.

Để ngăn mát tủ lạng 1-2 hôm là ăn được. Khi ăn chấm gia vị chanh ớt.

Có thể cho thêm vài cái lá chanh thái nhỏ cho thơm nhưng ít thôi, không cần nhiều vì dễ làm cho móng giò bị đắng.

20. Tai heo ngâm chua ngọt

Nguyên liệu

  • 2 cái tai heo
  • 2 quả dưa chuột
  • 1 củ cà rốt
  • 3-4 quả ớt tươi cay
  • 2 củ tỏi khoảng 7 nhánh nhỏ (chọn tỏi già để khi ngâm không bị xanh)
  • 1 miếng gừng non
  • Gia vị: đường, bột canh, nước mắm, hạt tiêu, muối tinh, giấm ăn

Cách làm

Tai heo mua về cạo lông rửa thật kĩ, bóp tai heo với giấm và muối cho sạch, rửa lại để ráo nước.

Đun sôi nồi nước, thả vào một miếng gừng đập dập, một củ hành tím thái nhỏ, 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê hạt nêm và 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, thả tai heo vào luộc khoảng 10-14p, luộc tai heo vừa chín tới, không luộc quá nhừ sẽ làm tai heo bị nhớt và nhũn khi ngâm.

Tai heo chín vớt ra bát nước đá có pha chút giấm và muối tinh, ngâm tai heo khoảng 20 cho nguội hẳn vớt ra để thật ráo nước.

Tiếp đến cất tai heo vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 30p cho săn lại mới đem ra thái mỏng vừa. Làm như vậy tai heo sẽ giòn và không bị nhớt khi ngâm.

Dưa chuột rửa sạch để cả vỏ, ngâm nước muối loãng vớt ra bổ đôi bỏ lõi thái sợi vừa ăn.

Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch thái sợi vừa ăn.

Tỏi thái lát mỏng. Gừng non thái sợi. Ớt thái sợi to hoặc cắt lát.

Nước ngâm tai heo: 150gr đường + 200ml nước + 200ml giấm ăn + 100ml nước mắm ngon + 1/2 thìa cà phê bột canh (nhớ ít thôi không lại mặn) + 1 thìa cà phê hạt tiêu bắc rang thơm giã rối. Đun sôi hỗn hợp nước ngâm và để thật nguội (nhớ phải để thật nguội), nhớ nêm nếm lại cho vừa miệng.

Xếp tai heo thái mỏng, xen kẽ cà rốt, dưa chuột, tỏi, ớt vào lọ, đổ ngập nước ngâm tai heo.

Cất ngăn mát tủ lạnh hôm sau ăn được. Nếu ăn không hết có thể để thêm vài ngày trong ngăn mát tủ lạnh.

Lưu ý: tỏi dùng để ngâm phải là tỏi già củ, tỏi non dễ bị xanh khi ngâm cùng tai heo.

Dùng ngon nhất sau 1-2 ngày ngâm, từ lúc ngâm xong cất ngăn mát tủ lạnh để được 5 ngày đổ lại, để lâu tai heo và các loại củ quả ngâm kèm sẽ bị chua quá.