Mặc dù biết rằng mướp đắng có lợi cho bệnh đái tháo đường, nhưng nhiều người vẫn không đủ dũng khí nếm thử vị đắng của nó. Đó là lý do vì sao bạn nên pha trộn mướp đắng với các thành phần khác giúp lấn át vị đắng mà không làm sụt giảm giá trị chữa bệnh.
Các thành phần có lợi
Mướp đắng hay khổ qua chứa polypeptide-p, vicine và charatin, đây là ba hoạt chất giúp quản lý đường huyết hiệu quả. Các hoạt chất này giúp tế bào hấp thụ các phân tử đường, tăng tiết insulin, kích thích tổng hợp glycogen ở gan và cơ, từ đó giảm hấp thu glucose trong cơ thể.
Bạn có thể thử một số công thức làm nước ép mướp đắng, trong đó vị đắng có thể trở nên dễ chịu hơn nhờ được pha trộn với hương vị của các loại rau quả khác có lợi cho người bị đái tháo đường.
Với nguyên liệu chính mà mướp đắng, công thức làm nước ép dưới đây sử dụng thêm dưa chuột, táo xanh, nước chanh và bột nghệ.
Dưa chuột có chỉ số đường huyết là 0, có nghĩa là bệnh nhân đái tháo đường có thể ăn mà không phải lo lắng về đường huyết. Loại quả mọng nước này có một loại hormone đặc biệt mà tuyến tụy sử dụng để sản xuất insulin, từ đó giúp các tế bào chuyển đổi carbohydrate thành năng lượng. Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên BioImpacts đã kết luận rằng dưa chuột có tác dụng bảo vệ chống lại các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Dưa chuột là một ứng cử viên an toàn và phù hợp để giảm stress oxy hóa và stress carbonyl thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường.
Bên cạnh đó, táo xanh có vị ngọt, nhiều chất xơ hòa tan, vitamin C và chất chống oxy hóa có lợi cho người bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, táo còn chứa pectin giúp thanh lọc và thải độc cho cơ thể.
Một thành phần khác được nhắc tới trong công thức làm nước ép dưới đây là nước cốt chanh. Với hàm lượng vitamin C và chất xơ hòa tan cao, nước cốt chanh rất có lợi cho người bệnh đái tháo đường. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Advances in Nutrition năm 2014 cho hay các flavonoid của trái cây họ cam quýt là naringin và naringenin có tác động tích cực đối với hội chứng chuyển hóa (một nhóm các tình trạng bao gồm đái tháo đường kháng insulin). Đặc biệt, mùi thơm thanh mát và đặc trưng của chanh có thể giảm bớt mùi vị khó chịu của mướp đắng.
Bột nghệ cũng có lợi cho người đái tháo đường nhờ cung cấp hợp chất chống viêm curcumin.
Cách làm nước ép mướp đắng
Công thức 1: Nước ép mướp đắng, táo xanh và dưa chuột
Chuẩn bị: 2 quả mướp đắng lớn, 1 quả dưa chuột vừa, nước cốt của ½ quả chanh ta, 1 quả táo xanh, ½ thìa cà phê muối (tùy ý thích).
Cách làm:
Lược bớt lớp vỏ ngoài của mướp đắng, loại bỏ hạt rồi xắt nhỏ. Ngâm mướp đắng trong nước mát khoảng 10 phút, có thể thêm ½ thìa cà phê muối vào nước ngâm.
Dưa chuột gọt vỏ rồi cắt thành miếng.
Cắt táo xanh thành miếng nhỏ, không cần gọt vỏ.
Cho mướp đắng, táo xanh, dưa chuột vào máy ép để ép lấy nước.
Thêm nước cốt chanh vào nước ép, trộn đều.
Uống một lần mỗi ngày khi bụng đói để giúp kiểm soát đường huyết.
Công thức 2: Nước ép mướp đắng và nghệ vàng
Chuẩn bị: 2 quả mướp đắng, nước cốt của ½ quả chanh ta, ¼ thìa cà phê bột nghệ, một nhúm muối Himalaya, ½ thìa cà phê muối (tùy ý thích).
Cách làm:
Lược bớt lớp vỏ ngoài của mướp đắng, loại bỏ hạt rồi xắt nhỏ. Ngâm mướp đắng trong nước mát khoảng 10 phút, có thể thêm ½ thìa cà phê muối vào nước ngâm.
Cho mướp đắng vào máy ép để ép lấy nước.
Thêm nước cốt chanh, bột nghệ và muối Himalaya vào nước ép, trộn đều.
Uống hai lần mỗi ngày khi bụng đói để giúp kiểm soát đường huyết.
Nếu mua được mướp đắng organic, bạn có thể để nguyên vỏ. Bạn có thể lọc nước ép qua rây trước khi uống. Ngoài ra, hãy kiểm tra đường huyết trước và sau khi uống nước ép này để đảm bảo nó phù hợp với cơ thể bạn.