Cá kho qua 3 lửa đúng kỹ thuật sẽ giúp cá săn chắc nhưng xương lại mềm rục, để nhiều ngày vẫn không bị hỏng.
Trước nay kho cá đã được biết là kỹ thuật nấu các nguyên liệu với lượng nước thích hợp ở nhiệt độ cao đến khi cạn nước, rồi mới tiếp tục nấu ở nhiệt độ thấp để làm nhừ. Sau khi hoàn thành, món ăn ngon sẽ tạo thành hỗn hợp xốt đặc và vô cùng thơm ngon.
Cách kho cá 3 lửa này do chị Nguyễn Thanh Nga chia sẻ trên diễn đàn về ẩm thực và được sự đồng ý nhiệt tình từ cộng đồng mạng. Chị khuyên các loại cá thích hợp để kho cá 3 lửa là cá biển như: Cá nục, bạc má, cá chim.
1. Bí quyết nêm nếm khi kho cá 3 lửa
Sau khi làm sạch cá, bạn hãy ướp gia vị ít nhất 1 tiếng nhé. Tùy vào khẩu vị cũng như từng món cá mà sẽ có cách ướp khác nhau. Ví dụ: Cá nục thì bạn có thể ướp cùng mật mía, củ sả, muối, nước mắm, tỏi, hành,…
Theo chị Nga, chị thường ướp cá theo công thức dưới đây để kho không cần thêm nước và mỗi loại gia vị sẽ mang công dụng riêng. Bạn hãy cho đúng theo thứ tự này, từ gia vị khô đến ướt. Hãy để ướp ít nhất 1 tiếng và thường xuyên đảo đều để thấm vị. Không nên đem kho ngay bởi cá sẽ thấm rất lâu và thịt mãi cũng không săn cứng lại.
Đối với 0,5kg cá, chị sẽ ướp cùng:
- 1/4 muỗng muối
- 2,5 muỗng đường (cá nhỏ) – 3 muỗng đường (cá to) (có thể thay bằng đường bát, đường phèn, đường thốt nốt)
- 1 muỗng ớt bột
- 1 muỗng tiêu
- 1/2 chén nhỏ nước mắm
- 1/2 chén nhỏ xì dầu
- 4 muỗng giấm trắng
- Ớt xiêm đỏ (số lượng tuỳ thích)
- 4 muỗng dầu ăn
Đường, xì dầu và dầu ăn sẽ tạo màu kho đẹp mắt mà không cần dùng nước màu.
Giấm trắng giúp thịt cá khô lại, xương cá mềm cũng như loại bỏ mùi tanh.
Dầu ăn cho vào cuối cùng để giảm bớt việc cá đen lại quá nhanh. Đồng thời, tránh hơi nước bay nhanh làm cạn nước sớm, cá không bóng đẹp và căng mẩy.
2. Bí quyết kho cá 3 lửa
Kho lửa 1:
Bắt đầu lửa 1 với mức lửa trung bình. Đun cho đến khi nước cá trong nồi sôi mạnh lên. Nêm nếm lại nước ướp xem vừa chưa, vẫn tiếp tục đun lửa. Ban đầu thì nước còn nhiều, nước sôi sẽ ngập mặt cá. Bạn quan sát cho đến khi nước bắt đầu vơi đi, tức dù sôi, các bọt bong bóng không còn lấp mặt cá được nữa. Khi đó tắt bếp, chao nồi để nước cá chảy đều, lắc nhẹ cho cá không bị sít lại dưới đáy, rồi để yên cho cá nghỉ tới khi nguội. Ta xong lửa 1.
Kho lửa 2:
Lửa 2, ta lại bật bếp lên, để mức trung bình cho sôi, sau đó giảm lửa lại chỉ còn 1 nửa, vẫn giữ cho cá sôi liên tục, khi bạn thấy nước đã đặc lại, nồi cá bắt đầu dậy mùi như mùi cá nướng. Đó là khi lớp sít bắt đầu được tạo, ta can thiệp để lấy lớp sít quý giá đó cho cá thay vì để đáy nồi hút hết chỉ còn lại mấy con cá đen.
Ta nhỏ vào đó một ít nước lọc nguội. Đun sôi lại lần nữa rồi ta lại tắt bếp, để nguội. Nếu không có nước lọc có thể thay bằng dầu ăn. Chao nồi và lắc cá cho đều tay. Lửa 2 kết thúc.
Kho lửa 3:
Lửa 3, ta lại cho nồi lên bếp, bật mức lửa 1/4 cho cá sôi lên, rồi liu riu lửa lại cho đến khi nào cá đạt được độ cứng như ý, gia vị thấm đằm, tiếp tục thêm chút dầu ăn lên trên. Lửa 3 có thể kéo dài bao lâu tuỳ ý. Ta chỉ cần giữ độ ấm cho nồi cá nhưng đừng để nó sôi.
Bạn càng kho lâu thì cá sẽ càng cứng chắc cũng như giữ được cả tháng không hư đó nha. Vậy là xong rồi nè.
3. Một số lưu ý
Để bảo quản cá kho ở điều kiện tự nhiên (không cần tủ lạnh) thì bạn có thể dùng đũa sạch, ráo gắp riêng phần cá dự định sẽ dùng trong bữa ăn ra. Phần còn lại thì dùng màng bọc thực phẩm bọc miệng nồi cá lại và bảo quản chỗ khô ráo, thoáng mát.
Lưu ý: Không được sử dụng muỗng/đũa đang dùng dở để gắp cá bởi sẽ làm hương vị bị ảnh hưởng và thời hạn bảo quản bị rút ngắn lại.
Đối với bảo quản trong tủ lạnh, bạn cũng dùng đũa sạch, ráo gắp cá cho vào hộp thủy tinh hoặc hộp nhựa, rồi bọc lại bằng màng bọc thực phẩm. Sau đó, đậy nắp hộp và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi muốn thưởng thức, bạn dùng đũa sạch, ráo gắp riêng phần cá sẽ ăn và hấp lại cho nóng tầm 5 – 10 phút là được.