Thay vì những món ăn sáng quen thuộc vào những ngày thường, sáng cuối tuần các chị em có thể tạo chút đổi mới cho cả nhà bằng cách chế biến 6 món siêu ngon, lạ miệng này nhé!
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày nên cần phải đảm bảo có đầy đủ các chất dinh dưỡng. Vậy, bữa sáng nên nấu món gì đơn giản, nhanh chóng mà vẫn thơm ngon và đầy đủ dưỡng chất? Câu trả lời cho bạn nằm ngay dưới đây!
1. Cơm chiên hải sản
Chuẩn bị tối hôm trước
240g Gạo Tài Nguyên cũ (hạt cơm to dài), hoặc gạo Jasmine 100 (hạt cơm ngắn nhỏ), lượng nước nấu là 1,4 lần lượng gạo. Tức là 240g gạo mình sẽ nấu với 340ml nước.
100g Đậu que Nhật rửa sạch & Củ Cà rốt 150g bào vỏ cắt lát theo chiều dài dày 5mm.
Lấy nồi cho nước vào (vừa đủ để luộc) bắt sôi xong cho xíu muối rồi bỏ Đậu que và Cà Rốt vào luộc canh sao cho đừng mềm quá, Đậu que chín thì vớt ra trước rồi tới Cà rốt (cả 2 loại đều ngâm qua nước lạnh cho giòn và giữ được màu) Sau đó cắt hạt lựu.
200g Tôm đất to luộc rồi lột vỏ cắt hạt lựu.
150g Răng mực ướp chút gia vị rồi lấy dầu phi tỏi xào chín.
Sáng thức dậy nấu
Mình thường thức sớm rồi đi chợ nên đủ thời gian nấu cơm để chín rồi chiên luôn, nếu sáng bạn ko đủ thời gian hay nhà dùng nồi điện tử thì có thể nấu sẵn buổi tối và giữ ấm trong nồi.
Vo sạch Gạo, cho lượng Nước vào rồi cho 1 muỗng (cafe đen) đầy Tinh bột nghệ vào trộn đều rồi bật nấu cơm.
Lấy nguyên liệu trong tủ lạnh ra cho bớt lạnh. Lấy Gia vị chiên cơm vừa đủ để sẵn.
Đập dập lượng Tỏi bạn cần, lấy cơm đang nóng ra trộn tơi lên
Tách vỏ 2 Trứng để sẵn trong chén ko cần đánh tan mà chỉ làm bể lòng đỏ trộn với lòng trắng thôi.
Cho 30ml Dầu ăn vào Chảo rộng phi với Tỏi, Tỏi vàng cho hết Cơm vào đảo nhanh bằng 2 tay cho dầu thấm đều cơm, lấy trứng tưới đều trên mặt cơm rồi trộn cho trứng áo đều cơm, đến khi thấy trứng chín và hạt cơm đã rời rạc thì cho gia vị vào trộn đều, xong cho Tôm, Răng mực, Đậu que, Cà rốt vào trộn đều cho nóng lên là tắt bếp.
2. Bánh cuốn chảo
Nguyên liệu
- Phần vỏ bánh: 130gr bột gạo; 40gr bột bắp; 65gr bột năng; 370ml nước; 1 muỗng canh dầu ăn; 1/3 muỗng cà phê muối.
- Phần nhân: 200gr thịt heo xay; 3 nấm mèo thái nhỏ; 1/2 củ hành tây thái nhỏ; 1 củ hành tím thái nhỏ; 2 tép tỏi băm; 1/3 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê nước mắm, 1muỗng canh dầu hào.
- Đồ ăn kèm: Giá đỗ chần, rau thơm, dưa leo thái nhỏ; nem chua và chả thái lát.
- Phần nước mắm: 3 muỗng canh nước, 1 muỗng canh nước mắm, 1.5 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê nước cốt chanh hòa tan mới cho ớt băm vào.
Cách làm
Bước 1: Làm nhân bánh: Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu. Chờ dầu nóng thì cho hành tím, tỏi vào xào thơm. Sau đó cho thịt vào xào tơi 5 phút. Cuối cùng cho hành tây, nấm mèo và các gia vị còn lại vào xào săn. Nêm nếm lại, nhân chỉ cần hơi nhạt 1 chút là tắt bếp.
Bước 2: Làm vỏ bánh: Cho tất cả 3 loại bột cùng nước vào 1 cái âu hòa tan, để 4 tiếng cho bột lắng xuống. Làm dấu mức nước cố định, sau đó chắt bỏ phần nước, thay lại nước lạnh khác đúng vị trí đã làm dấu. Cách này giúp bánh trong dẻo ngon hơn. Bây giờ cho dầu và muối vào hoà tan.
Rắc ít hành phi, rồi cùng cả nhà thưởng thức.
Bước 3: Bắc chảo không dính lên bếp, thoa 1 chút dầu, sau đó lấy giấy thấm khô. Chảo hơi nóng thì múc ít bột đổ vào tráng mỏng. Đậy nắp cho bánh chín (45 giây – 1 phút). Khi thấy bánh trong là bánh chín. Úp bánh ra dĩa. Cứ thế bạn lại thoa chút dầu lâu khô rồi đổ bánh. Cho nhân vào giữa, gấp hai bên mép rồi gói bánh hình chữ nhật.
3. Miến nấu tôm nấm
Nguyên liệu
- 12 con tôm, bóc vỏ, rửa sạch
- 1 bó miến đậu xanh nhỏ (mua ở siêu thị)
- 5 cái nấm hương tươi, cắt chéo trên mũ nấm để tạo hoa.
- 1 muỗng canh dầu ăn, 2 tép tỏi băm nhỏ; 2 lát gừng; 1 muỗng canh hành lá xắt nhỏ; 1 muỗng cà phê muối; 1 muỗng canh nước tương loại nhạt màu (xì dầu); 1 muỗng canh rượu nấu ăn; 1 chén nước; 1 muỗng cà phê hạt tiêu
Cách làm
Ngâm miến với nước sạch khoảng 15 phút cho đến khi mềm. Có thể ngâm miến với nước ấm miến sẽ mềm nhanh hơn. Sau đó, đổ miến ra rá để ráo nước.
Làm nóng dầu ăn trong chảo, sau đó thêm tỏi, gừng, hành thái nhỏ vào xào thơm. Thêm tôm vào đảo đều cho đến khi tôm chuyển sang màu hồng đỏ.
Làm nóng một nồi đất sét rồi xếp miến vào trong rồi đến nấm, tôm và các nguyên liệu còn lại vào. Nấu trong 5 phút rồi thêm rau mùi xắt nhỏ, phần hành lá màu xanh thái nhỏ lên trên để trang trí, tắt bếp.
Chẳng cần ra hàng, tại nhà bạn cũng có thể làm được các món ăn sáng ngon và hấp dẫn cho gia đình mình. Với các cách nấu ăn ngon như thế này thì không chỉ giúp cả nhà nhiều dinh dưỡng, hợp vệ sinh mà còn giúp bạn tiết kiệm không ít tiền nữa đấy.
4. Mì xào thập cẩm
Nguyên liệu:
- 2 gói mì ăn liền dùng để xào
- 15ml xì dầu; 5ml xì dầu loại đậm màu; 5ml dầu hào; 2.5g đường; 2.5ml dầu mè; 1 ít hạt tiêu trắng; 30ml dầu hạt cải; 2 tép tỏi thái lát
- 1/4 chén ớt chuông đỏ thái nhỏ; 5 cái nấm hương tươi; thái lát; 1 củ cà rốt bào sợi; 1 bát bắp cải thái sợi nhỏ; 1 chén đậu Hà Lan, cắt chéo; 1 chén giá đỗ; 2 nhánh hành lá; 15 ml rượu nấu ăn
Cách làm:
Bước 1: Chần mì trong nồi nước sôi khoảng 45 giây. Dùng đũa khuấy thường xuyên để mì chín đều. Vớt mì ra và rửa sạch dưới vòi nước lạnh để mì không dính vào nhau.
Bước 2: Kết hợp xì dầu, dầu hào, đường, dầu mè, hạt tiêu trong một bát và để sang một bên.
Bước 3: Đun nóng chảo với lửa lớn, thêm dầu và tỏi vào xào, sau đó thêm ớt, nấm hương tươi, cà rốt, bắp cải, rồi xào tất cả trong một phút. Thêm rượu vào xào trong 15 giây.
Bước 4: Sau đó thêm mì vào, đảo nhanh tay và tách mì ra để chúng không dính vào nhau. Đổ hỗn hợp xì dầu vào xào trong 20 giây. Thêm giá đỗ, đậu Hà Lan tươi, hành lá vào. Đảo thêm 1 phút rồi cho ra đĩa thưởng thức nhé!
5. Phở gà
Nguyên liệu
- Một con gà mái khoảng 1,8 – 2kg
- Bánh phở: nếu thích ăn sợi nhỏ như phở bình thường thì mua loại sợi cắt sẵn, còn thích sợi to theo ý muốn mua bánh phở về cắt
- Sá sùng khoảng: 0,25gr cho ngọt nước bớt đi công đoạn ninh xương lợn
- 1/2 quả táo tây chín
- Gia vị:nước mắm, bột canh, tương ớt, ớt tươi, chanh quả…
- Hành tây: 1 củ vừa. Hành củ tím: 3-4 củ. Gừng: một nhánh nhỏ. Rau thơm: hành lá, rau mùi, húng bạc hà…
Cách làm
Gà rửa sạch, sát muối phía bên trong và ngoài gà rửa lại cho thật sạch,để ráo nước. Nếu có phần mỡ thì bóc tách, rán vàng cho ra mỡ, mỡ đó để riêng sau khi luộc xong gà nguội hẳn thì phết lên mình gà cho bóng đẹp.
Gừng, hành củ nướng thật thơm.
Đun sôi một nồi nước to, cho vào vài thìa cà phê bột canh, gừng nướng đập dập hành củ nướng thơm vào nồi, đun thật sôi, đi bao tay cầm phần cổ gà nhúng vào nồi nước trần đều khắp mình gà, chưa thả vào nồi ngay, mục đích để da gà căng bóng đẹp và không bị nứt khi luộc.
Sau khi trần đều mình gà thì thả gà vào luộc.Nồi nước sôi lại thì hớt bọt, lúc này múc ra khoảng 1 bát con nước luộc gà đổ đi, sau đó lại thêm vào nồi nước luộc gà một bát con nước lạnh, lật gà,đợi sôi trở lại thì hạ nhỏ lửa hé vung đun khoảng 10 thì tắt bếp. Tiếp tục đậy kín vung ngâm thêm 15p nữa thì mới vớt gà ra khỏi nồi (tuỳ vào con gà bé hay to mà thời gian có thể luộc ngắn hoặc dài hơn).
Gà vớt ra khỏi nồi kẹp gà thât chặt, dội một bát nước đun sôi để nguội hoặc nước lạnh từ trên cổ gà xuống. Sau đó cho gà vào rổ, phía dưới hứng một cái đĩa để nước chảy xuống, đợi cho gà nguội.
Hành tây nước chín thơm, bổ dọc làm đôi (nướng trực tiếp trên bếp và rửa sạch lại bụi bẩn). Táo tây chín ngọt rửa thật sạch. Sá sùng vặt hết vòi dính cát, đem rửa lại cho sạch, đợi khô thì rang vàng cho thơm. Cho hết hành tây, táo tây, sá sùng vào một cái túi vải, khâu kín hoặc buộc chặt lại lát thả hết vào nồi nước dùng sau đỡ phải mất công vớt hoặc lọc lại phần bã.
Gà nguội hẳn dùng phần mỡ gà đã rán, phết đều mỡ lên khắp mình gà cho bóng đẹp.
Lọc phần thịt ở đùi, má đùi, phần lườn, xương lọc xong thì thả vào nồi nước dùng. Đầu cổ cánh, chân chặt nhỏ chấm muối tiêu. Các phần khác như mề, ruột gan… thái nhỏ.
Đặt nồi nước dùng lên bếp, thả túi sá sùng, hành tây, táo tây…vào nồi ninh thêm khoảng 1 tiếng để tiết ra nước ngọt. Nếu không có sá sùng có thể thêm mía, táo tây, lê… tạo độ ngọt cho nước phở, hạn chế sử dụng bột nêm hoặc mỳ chính.
Sau 1 tiếng vớt bỏ phần xương, túi đựng sá sùng, táo tây và hành tây ra khỏi nồi.
Lúc này nồi nước phở rất ngon, thơm mùi gừng hành nước và đặc biệt vì có sá sùng nên rất ngọt.
Nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng, nếu thích mùi vị nước mắm cho thêm vài thìa vào,còn không thích thì nêm nếm lại bằng bột canh.
Nếu dùng bánh phở cắt sẵn không phải thái, còn nếu muốn sợi bánh phở to hơn thì dùng bánh phở hay để làm phở cuốn thái theo sở thích. Đem bánh phở trụng qua nước sôi cho mềm và tơi, để ráo nước.
Hành lá, rau mùi thái nhỏ. Phần gốc hành chẻ nhỏ.
Khi ăn bật nồi nước phở sôi sùng sục, tráng bánh phở qua nước phở, xếp thịt gà, hành lá rau mùi thái nhỏ vào bát to, chan nước phở vào. Ăn kèm rau húng bạc hà, đầu hành chẻ, ớt quả, tương ớt và vắt chanh.
6. Bún bò Huế
Nguyên liệu
- 500g bắp bò. 300g gân bò. 2 cái móng giò heo. Huyết heo (nếu có). 1kg bò xương ống hoặc xương giá
- 3 muỗng canh mắm ruốc Huế. 6 cây sả. (2 cây sả băm nhuyễn). 5 lát gừng nhỏ. 1/2 quả dứa (khóm). 5 củ hành khô tím. 2 củ hành tây
- Hành lá, rau thơm, giá, hoa chuối, rau muống chẻ….
- Chả Huế hoặc chả lụa
- Chanh, ớt quả, ớt sa tế. Gừng, sả rửa sạch đập dập.
Cách làm
Đun nước sôi trụng sơ xương và bắp bò, gân bò, móng heo rồi bỏ ra rửa lại cho sạch. Móng heo chặt miếng vừa ăn.
Pha 3 thìa ăn cơm mắm ruốc Huế với ½ bát nước, khuấy cho tan đều.
Ướp tất cả móng giò,gân,bắp bò với 1 thìa ăn cơm đường, 1mcf muối, ½ mcf bột ngọt, 1 thìa ăn cơm mắm ruốc đã pha loãng), 1/2 hành tím và sả băm nhuyễn.
Lót 2 cây sả và ½ lượng gừng xuống đáy nồi bỏ móng giò heo vào luộc khi sôi hạ lửa thỉnh thoảng vớt bỏ bọt.
Móng giò heo nhanh chín canh thời gian và vớt ra thau nước lạnh ( làm như vậy móng giò heo trắng và thịt không bị nhũn, nát).
Lại lót 2 cây sả và 1/2 gừng còn lại xuống đáy cho thịt bắp bò, gân bò vào cho nước sâm sấp mặt thịt luộc tới chín, vớt gân thả vào thau nước lạnh cho thịt được chắc.
Nếu thích gân mềm hơn thì cho vào phần nước dùng nấu chung tới mềm thì vớt ra thả vào chậu nước lạnh.
Lưu ý: Luộc bắp bò, gân bò và móng heo riêng cùng vì bắp bò, gân bò dai hơn móng heo nên thời gian luộc lâu hơn và luộc ít thịt thì sẽ nhanh chín và nước trong hơn.
Khi sôi hạ lừa nhỏ sau khoảng 30 phút lấy đũa xâm thử móng giò heo mềm thì vớt ra trước bỏ vào chậu nước lạnh, sau khoảng 60 phút thì vớt bắp bò. Gân bò lâu mềm hầm 1 tiếng 30 phút vớt ra bỏ vào chậu nước lạnh. Trong thời gian luộc thỉnh thoảng mở nắp vung vớt bỏ bọt).
Nấu nước dùng: Phần nước hầm thịt bắp bò, gân bò, xương và nước hầm móng heo đổ chung vào một nồi nước ninh xương, thêm nước lạnh cho vừa 4 lít nước.
Bỏ khóm vào nồi nước dùng cùng phần gừng sả, 1 củ hành tây, 4 củ hành khô tím đã có sẵn khi hầm xương, bắp bò, móng giò, gân.
Đun sôi nêm gia vị: 2 mcf muối, 1 thìa ăn cơm đường phèn, 2 mcf bột ngọt, chén mắm ruốc Huế đã pha loãng. Nếm thử và điều chỉnh gia vị cho vừa khẩu vị gia đình. (Mắm ruốc đổ ra bát pha nước vào để qua đêm cho lắng xuống, khi nào nấu thì lọc lấy nước bỏ cặn).
Để nước dùng thơm và có màu đẹp: Bắc chảo đun nóng già bỏ 2mcf dầu ăn phi thơm hành tím cho thơm sau cho 2mcf màu điều, ớt sa tế vào chưng màu.
Tắt bếp. Chế phần dầu điều,ớt sa tế đã chưng vào nồi nước dùng. Thái nhỏ hành lá, hành tây thái lát mỏng. Thịt bắp bò thái lát mỏng.
Trụng bún qua nước sôi, xếp thịt bắp bò, gân bò, chả Huế (chả lụa), móng heo, huyết heo, hành tây, hành lá, chan nước dùng.
Dọn ra ăn kèm rau muống chẻ, bắp chuối bào, giá, rau thơm, chanh ớt… và thưởng thức.