Dùng hoa đậu biếc để nhuộm màu cho các món ăn là cách giúp bữa cơm gia đình thêm hấp dẫn và mới lạ hơn.
Không chỉ được ưa thích bởi tính thẩm mỹ cao mà hoa của cây đậu biếc còn được biết đến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và còn được sử dụng để chế biến nhiều món ăn bổ dưỡng, bắt mắt. Hoa đậu biếc có thể giải tỏa lo âu, căng thẳng, giúp an thần, rất tốt cho não, chữa bệnh rụng tóc, cải thiện vấn đề tóc bạc.
Dưới đây là 2 món quen thuộc nhưng được “nhuộm màu” đẹp mắt từ hoa đậu biếc, rất dễ làm cho các bạn tham khảo và thực hiện nhé!
1. Xôi mít hoa đậu biếc
Nguyên liệu
- 500gr gạo nếp ngon (mọi người nấu theo khẩu phần của gia đình nhé)
- Mít nên chọn mít nghệ hoặc mít thái, cùi dầy và giòn là ngon nhất
- Nước cốt dừa: 200ml
- Muối, đường, bột năng, dừa bào sợi
- Hoa đậu biếc khô: 25 bông, thích màu đậm thì cho nhiều hoa, thích màu nhạt thì ít hoa đi
Cách làm
Gạo nếp vo thật sạch để ráo nước, sau khi ngâm xong không cần vo lại nữa để tránh bị vỡ hạt gạo.
Hoa đậu biếc khô rửa lại bằng nước trắng cho sạch bụi bẩn.
Đun sôi khoảng 1 lít nước, thật sôi, cho hoa đậu biếc ra bát to, đổ nước sôi vào ngâm cánh hoa. Cánh hoa nở bung, lên màu đẹp theo ý muốn thì dùng rây lọc lấy nước cốt bỏ bã, đợi nước nguội thì đổ gạo nếp đã vo sạch vào ngâm trong khoảng 4-8 tiếng.
Sau khi ngâm gạo xong thì vớt gạo ra, tráng lại một lần nước trắng. Vớt ra để thật ráo nước, sau đó trộn gạo với một xíu muối và chút dầu ăn.
Đặt xửng lên bếp, cho gạo vào đồ, đồ khoảng 25 phút là xôi chín bắc xuống, tãi đều ra mâm, quạt cho xôi nguội hẳn.
Trộn vài thìa nước cốt dừa vào xôi để xôi được béo ngậy hơn rồi cho lên xửng đồ tiếp lần hai khoảng 15 phút thì hạt xôi sẽ căng bóng và dẻo ngon hơn.
Xới xôi ra đĩa đợi xôi còn hơi âm ấm thì về tròn những viên xôi vừa đủ cho vào múi mít ( mít tách hạt và rạch một đường ngang múi). Nắn nhẹ nhàng cho múi mít bao quanh nắm xôi.
Rắc vừng và dừa xào lên trên ăn kèm nước cốt dừa.
Đổ 200ml nước cốt dừa vào nồi, thêm 50ml sữa tươi không đường hoặc nước trắng, 1 thìa canh bột năng, 1 thìa canh đường, 1 xíu muối hoà thật tan cho lên bếp khuấy lửa trung bình, nước cốt dừa sánh lại để sôi lăn tăn khoảng 5 phút rồi bắc ra để nguội.
2. Cơm cuộn hoa đậu biếc
Hoa đậu biếc khô khoảng 25 bông, rửa sạch, ngâm nước nóng cho nở, đến khi cánh hoa nở ra và màu nước sậm thì lọc qua rây, bỏ bã.
Gạo tẻ ngon vo sạch (khoảng 2 bát ăn cơm gạo), cho vào nồi cơm điện, đổ nước hoa đậu biếc vào như mực nước nấu cơm bình thường, nhưng không nên nấu nhão quá. Đảo đều, bật nút cook chờ cơm chín. Trong lúc cơm sôi có thể mở vung nồi đảo lại lần nữa cho màu được đều.
Cơm chín xới ra bát, trộn vào 1/2 thìa cà phê bột canh, 2 thìa cà phê dấm ăn, 2 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê dầu mè. Trộn đều cho ngấm gia vị và để cơm nguội.
Phần nhân gồm có: đậu đũa luộc, dưa chuột, cà rốt cắt sợi to bằng đầu đũa để dài luộc chín, rau cải bó xôi luộc hoặc xào, xúc xích cắt nhỏ và dài, trứng tráng cắt sợi mỏng…tuỳ vào sở thích mỗi gia đình.
Đặt mành tre để cuộn sushi ra mặt phẳng sạch, đặt miếng rong biển cuộn cơm lên trên, múc cơm hoa đậu biếc ra dàn đều mỏng đặt phần nhân mỗi thứ một ít vào giữa, rắc thêm vừng rang chín, cuộn đều lại, nên cuộn chặt tay cơm sẽ đẹp hơn, phần mép dùng nước đun sôi quét qua cho mép dính lại.
Dùng dao có lau qua lớp dầu ăn, cắt cơm thành từng khúc cho đẹp mắt.