Ăn uống đầy đủ nhưng không khoa học là nguyên nhân khiến cơ thể thiếu hụt vitamin trầm trọng. Khi cơ thể thiếu hụt một loại vitamin lâu ngày sẽ phát sinh bệnh tật. Vậy, những dấu hiệu nào để nhận biết cơ thể thiếu vitamin?
Nhìn kém về ban đêm: thiếu vitamin A
Nghiên cứu cho thấy, vitamin A là một tập hợp các chất chống oxy hóa, có tác dụng bảo vệ mắt và duy trì thị lực.
Loại vitamin này còn tham gia trực tiếp vào các phản ứng ở tế bào que và nón ở võng mạc. Chất này còn giúp tạo sắc tố của võng mạc để điều tiết mắt và hỗ trợ mắt nhìn tốt hơn trong môi trường thiếu ánh sáng. Vậy nên, nếu bạn không có đủ vitamin A, tầm nhìn ban đêm của bạn có thể bị hạn chế.
Thực phẩm giàu vitamin A: Vitamin A có nhiều trong trứng, sữa, bơ, gan, thịt động vật, các loại rau, củ quả có màu đỏ, vàng hoặc xanh đậm…
Trầm cảm, chán nản: thiếu vitamin B1
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, năng lượng thấp, lẫn lộn, giảm trí nhớ, chán chường, mọi thứ rệu rã… thì rất có thể bạn đang thiếu hụt vitamin B1.
Giống như B12, vitamin này là cần thiết cho sức khỏe của các tế bào thần kinh và não của bạn: nếu bạn không có đủ B1 trong cơ thể, các tế bào này không hoạt động tốt và dẫn đến các vấn đề về tâm lý như trầm cảm.
Các thực phẩm chứa nhiều vitamin B1: Thịt đỏ và trắng, thịt nội tạng (như gan), ngũ cốc nguyên hạt, đậu Hà Lan, đậu lăng, mầm lúa mì…
Bị hôi miệng: thiếu vitamin B3
Vitamin B3 giúp cơ thể bạn chuyển đổi thức ăn thành năng lượng và giúp hệ thống thần kinh của bạn hoạt động. Tình trạng thiếu B3 còn ảnh hưởng tới chức năng gan kém, tiếp theo là sự hoạt động không tốt của dạ dày và ruột, dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa và là nguyên nhân gây ra hôi miệng.
Thực phẩm giàu vitamin B3 gồm: thịt, cá béo, hạt hướng dương và củ cải đường.
Tê liệt bàn chân: thiếu vitamin B12
Thiếu B12 là một trong các nguyên nhân phổ biến gây tê liệt bàn chân. Lý do bởi vitamin B12 là một vitamin tan trong nước có vai trò quan trọng đối với sự chuyển hóa cũng như hình thành các tế bào hồng cầu và duy trì chức năng thích hợp của não bộ và hệ thần kinh trung ương. Do đó, khi bạn không cung cấp đủ vitamin B12 cho cơ thể sẽ dẫn dến tình trạng não bộ gặp khó khăn trong giao tiếp với các dây thần kinh, gây ra hiện tượng tê liệt bàn chân.
Để tăng cường vitamin B12 trong chế độ ăn uống, bạn có thể chọn ăn thực phẩm từ động vật như cá, thịt gà, các sản phẩm sữa và ngũ cốc.
Vết thương lâu lành: thiếu vitamin C
Trong suốt quá trình làm lành vết thương, vitamin C hoạt động như một đồng yếu tố trong quá trình sản sinh collagen.
Nếu bạn nhận thấy rằng phải mất một thời gian dài hơn bình thường để các vết thương trên cơ thể bạn lành lại thì rất có thể cơ thể bạn đang thiếu hụt vitamin C. Ngay cả sau khi vết thương đã lành, chúng vẫn có những hoạt động trao đổi chất vì vẫn có khả năng những vết sẹo đã lành có thể bị rách, vỡ.
Vitamin C cũng chịu trách nhiệm cho sự gia tăng và phát triển của những tế bào mới và những mao dẫn mới có nhiệm vụ vận chuyển ô-xy đến các bộ phận khác. Chính vì vậy, dưỡng chất này đóng một vai trò đáng kể trong quá trình làm lành vết thương.
Các thực phẩm giàu vitamin C: Hoa quả có múi (cam, quýt, bưởi), cà chua, ớt, khoai tây, rau bina, dâu tây, bông cải xanh, cải bắp, bông cải trắng…
Đau nhức cơ bắp: thiếu vitamin D
Vitamin D có tác dụng điều chỉnh lượng canxi và phosphate trong cơ thể, đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động của các khớp, cơ và răng và các mức độ thích hợp giúp ngăn ngừa bệnh nhuyễn xương (xương mềm) và loãng xương (mất mật độ xương). Vậy nên nếu bạn thiếu vitamin D, xương có thể bị suy yếu gây nguy cơ gãy xương. Điều này liên quan đến vai trò thiết yếu của vitamin D trong việc kiểm soát sự hấp thu canxi.
Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy những người lớn trên 50 tuổi bị thiếu vitamin D thường dễ bị đau hơn ở xương hông và khớp gối và cơn đau có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu thiếu máu không được điều trị.
Để tăng cường vitamin D cho cơ thể, bạn cần lưu ý bổ sung các thực phẩm sau vào chế độ ăn uống của mình: Sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai); các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ (chỉ nên ăn cá ngừ 2 lần/tuần để tránh nhiễm thủy ngân cao). Ngoài ra, hãy thường xuyên tắm nắng vào buổi sáng sớm để cơ thể được hấp thụ vitamin D tốt nhất.
Phản xạ lệch lạc: thiếu vitamin E
Tình trạng thiếu vitamin E biểu hiện qua phản xạ lệch lạc, tâm tính thất thường, mắt chuyển động thiếu nhịp nhàng, khô da, phồng nơi bàn chân. Lý do bởi vitamin E cũng giống như vitamin B12, là chất cần thiết cho sức khỏe thần kinh, giúp kết nối các thông tin liên lạc giữa não bộ với dây thần kinh kiểm soát các cơ bắp và phản xạ của bạn. Thế nên, nếu bạn thiếu vitamin E thì nó sẽ dẫn tới tình trạng phản xạ chậm chạp, kém hơn hẳn so với những người bình thường.
Vitamin E có thể tìm thấy trong lúa mì, dầu cải, lá cải xanh, đậu nành, ngũ cốc các loại.
Vết bầm tím trên da: Thiếu vitamin K
Thiếu hụt vitamin K có thể khiến những chấn thương do va đập trở thành các vết bầm tím trên da, gây ra nhiều phiền toái với cuộc sống.
Các thực phẩm giàu vitamin K như bông cải xanh, rau cải xoăn, rau diếp…