Muối vừng hay muối vừng lạc thường được ăn kèm với rất nhiều món như xôi, cơm trắng, cơm nắm hay chấm các loại rau, củ luộc. Muối vừng chứa một lượng lớn canxi, sắt và các chất dinh dưỡng khác và là nguồn dầu thực vật tuyệt vời không có khả năng sinh cholesterol khi nó ở dạng nguyên lứt. Quá trình rang trên lửa khiến cho hạt vừng dễ tiêu hóa hơn.
Đây là món ăn quen thuộc và rất dễ làm, bạn hãy tham khảo cách làm sau đây nhé!
Cách làm muối vừng nguyên hạt
Nguyên liệu
- Vừng: 300 gram
- Muối tinh hạt to: 100 gram
- Dụng cụ: chảo rang, cối giã, lọ đựng
Cách làm
Rang vừng: Bắc một chiếc chảo lên bếp. Đun khô chảo sau đó hạ nhỏ lửa. Từ từ đổ phần vừng vào rang đều tay. Vì vừng rất nhanh chín nên bạn cần hết sức chú ý ở khâu rang vừng, tránh lơ đãng sẽ dễ khiến vừng bị cháy.
Rang vừng từ 3 – 5 phút, bạn sẽ thấy các hạt vừng bắt đầu nổ lách tách. Tiếp tục rang cho đến khi tiếng nổ thưa dần thì bạn tắt bếp. Đảo vừng trên chảo nóng chừng 1 phút nữa rồi đổ vừng ra rá cho nguội tự nhiên.
Rang muối: Khi chảo rang vừng vẫn còn nóng, nhanh tay đổ muối hạt vào rang. Rang muối tương tự như cách bạn rang vừng. Rang đều tay, nhỏ lửa cho tới khi các hạt muối vàng đều là được.
Chuẩn bị cối khô, sạch. Muối sau khi đã rang vàng, bạn cho muối vào cối và dùng chày giã nhỏ. Lưu ý với món muối vừng này, bạn sẽ không xử dụng phương pháp xay.
Khi muối giã gần được, bạn đổ phần vừng vào giã chung. Lúc này, bạn giã nhẹ tay để vừa đủ cho hạt vừng quyện muối mà không bị nát.
Giã xong, bạn cho muối vừng lên chảo và đảo trên lửa khoảng 1 phút nữa. Sau khi muối và vừng đã nguội hẳn, bạn cho muối vừng vào lọ khô, đậy kín nắp và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.
Cách làm muối vừng lạc
Nguyên liệu
- Vừng: 150 gram
- Lạc: 200 gram
- Muối ăn tinh hạt to: 100 gram
- Dụng cụ: chảo rang, cối giã, lọ đựng
Cách làm
Rang lạc: Bắc chảo lên bếp và làm nóng. Chảo nóng, bạn cho lạc vào chảo sau đó hạ nhỏ lửa, rang đều tay. Rang lạc khoảng 10 phút, bạn sẽ nghe thấy tiếng nổ lách tách và mùi thơm của lạc. Lúc này, bạn trút lạc vào giấy báo bọc kín để lạc giòn hơn.
Rang vừng: Sau khi trút lạc ra giấy báo, bạn dùng chính chiếc chảo vừa rang để rang vừng. Đảo vừng đều tay, nhỏ lửa cho đến khi không nghe thấy hạt vừng lách tách nữa thì trút vừng ra rá, để nguội tự nhiên.
Rang muối: Rang vừng xong, bạn tiếp tục cho muối vào rang. Muối chín là khi các hạt muối khô lại, vàng đều.
Cho muối vào cối giã và giã nhỏ. Giã muối xong, bạn tiếp tục cho lạc vào giã cùng. Giã nhẹ và đều tay cho tới khi các hạt lạc vỡ làm 3 – 4 phần. Bạn không nên giã lạc quá nhỏ vì như vậy sẽ làm mất đi đặc trưng của món.
Giã muối lạc xong, bạn tiếp tục đổ vừng vào giã. Lúc này, bạn chỉ cần giã sơ qua cho muối – vừng – lạc quện vào với nhau là được. Giã xong, cho hỗn hợp lên chảo đảo trong khoảng 1 phút rồi tắt bếp, để nguội.
Sau khi muối vừng lạc đã nguội hẳn, bạn cho muối vừng lạc vào lọ kín rồi đậy nắp lại. Bảo quản muối vừng lạc tại nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt hay côn trùng, động vật chạm vào.
Khi đã hoàn thành, bạn có thể sử dụng muối vừng để ăn với cơm nguội, cơm nắm, các món xôi nhạt hoặc chấm rau củ luộc. Lưu ý là món muối vừng cần được làm thật khô để có thể bảo quản được lâu, không gây ra nấm mốc.
Chúc các bạn thành công!