Những công thức nấu ăn ngon chuẩn vị được dành cho các gia đình vào dịp lễ Tết.
Đừng chỉ nấu các món ăn hàng ngày quen thuộc, lễ Tết hay tụ tập cuối tuần, bạn cứ chọn 5 món sau để làm chắc chắn ai cũng phải tấm tắc khen ngon.
1. Móng giò ngâm chua ngọt
Nguyên liệu:
- Móng giò: 500gr
- Giấm, sả, ớt, gừng, tỏi, ớt
- Nước mắm, đường, hạt tiêu bắc, tương ớt
- 1/2 củ cà rốt
Cách làm:
Móng giò mua về bóp với rượu và gừng, xả thật sạch. Cạo sạch lông và lớp màng bám trên từng móng giò.
Đun sôi nồi nước thả móng giò vào trần qua cho sạch mùi hôi và bụi bẩn. Vớt ra để ráo.
Luộc móng giò: đun sôi nồi nước, thả vào đó một nhánh gừng, 1 thìa cà phê muối, một cây sả đập dập, đun sôi thả móng giò vào luộc. Luộc đến khi móng giò chín (thử bằng cách lấy cái đũa xiên qua là được) nhưng không nên để mềm nhũn vì khi ngâm sẽ bị nổi váng, dễ hỏng. (mình luộc khoảng 10-15p, tính từ lúc nước vừa sôi).
Móng giò luộc chín vớt ra bát nước đá, ngâm khoảng 1 giờ, vớt ra để thật khô ráo nước, móng giò càng khô ráo khi ngâm sẽ càng giòn, ngon và để được lâu.
Gừng thái sợi rửa qua một lần nước vớt ra để thật ráo nước (một nhánh nhỏ).
Sả thái mỏng hoặc cắt khúc, chẻ nhỏ (2-3 cây).
Ớt thái lát (1-2 quả tuỳ độ cay).
Cà rốt gọt vỏ, tỉa hình hoa cho đẹp hoặc dùng dao răng cưa để cắt sợi nhỏ.
Nước mắm ngâm: 1 bát ăn cơm nước mắm ngon + 3 bát ăn cơm nước trắng + 1/2 bát ăn cơm giấm + 1/2 bát ăn cơm đường + 3 thìa canh tương ớt để khi ngâm xong lên màu cho đẹp + 1 thìa cà phê hạt tiêu bắc. Khuấy đều, đun sôi và để nguội. Có thể cho thêm 1 thìa cà phê ớt bột nếu thích cay hơn.
Phần hỗn hợp này mình pha theo khẩu vị của mình, mọi ngừoi có thể nêm nếm lại theo khẩu vị của mình. Nhạt thì thêm chút nước mắm, muốn ăn chua hơn cho thêm giấm, mặn thì cho thêm nước, nêm nếm vừa miệng đừng mặn quá hoặc nhạt quá thì khi ngâm xong ăn là vừa, tuỳ khẩu vị .
Sau khi đun sôi xong phần hỗn hợp nước ngâm thì phải để thật nguội.
Xếp móng giò vào lọ thuỷ tinh, một lớp móng giò một lớp sả, gừng và ớt, cuối cùng đổ ngập đổ hỗn hợp ngâm trên móng giò là được. Có thể cho thêm vài lá chanh hoặc vài lát cà rốt tăng thêm độ hấp dẫn cũng như mùi vị.
Để ngăn mát tủ lạng 1-2 hôm là ăn được. Khi ăn chấm gia vị chanh ớt.
Có thể cho thêm vài cái lá chanh thái nhỏ cho thơm nhưng ít thôi, không cần nhiều vì dễ làm cho móng giò bị đắng.
2. Bắp bò ngâm xì dầu
Nguyên liệu:
- 1kg bắp bò ( nên dùng bắp lõi rùa hoặc bắp hoa là ngon nhất vì loại này khi ăn sẽ rất giòn)
- Xì dầu: 250ml ( khoảng 1 bát ăn cơm), mình dùng xì dầu càng cua hàng nội địa Trung Quốc, thơm ngon nhất.
- Nước trắng: 700ml
- Dấm ăn: 100ml
- Đường cát vàng: 100gr
- Gừng : 1 củ
- Tỏi: 1/2 bát ăn cơm
- Ớt hiểm cay: tuỳ theo sở thích
- Hạt tiêu xanh: vài nhánh ( món này có thêm hạt tiêu xanh sẽ thơm ngon hơn, không có thì dùng hạt tiêu bắc khô cũng được)
- Sả: 2 cây
Cách làm:
Bắp bò mua về rửa sạch, lọc hết phần mỡ, sơ bám xung quanh, với bắp bò thường thì nên dùng chỉ buộc chặt để phần thịt sau khi luộc xong được săn chắc hơn.
Xếp thịt vào nồi, thêm vào 1 thìa cà phê bột canh, 1 nhánh gừng đập dập, một khúc sả đập dập, luộc thịt trong khoảng 30p là thịt chín, luộc lâu quá sẽ làm thịt bị nhừ, khi ngâm xong thịt bị bã không giòn ngon.
Thịt chín vớt ra bát nước đá ( dùng nước đun sôi để nguội) rửa qua một lượt cho sạch rồi để thịt thật khô ráo và nguội (bước này rất quan trọng nhé).
Thịt nguội cắt khúc dài khoảng 7cm để thịt dễ ngấm gia vị hơn.
Gừng thái sợi, rửa qua một lần nước đun sôi để nguội để thật ráo nước.
Tỏi thái lát mỏng, ớt cay thái lát mỏng.
Nếu dùng hạt tiêu xanh thì phải rửa sạch và để thật khô ráo.
Đun sôi phần hỗn hợp nước ngâm: 700ml nước+ 250 ml xì dầu+ 100gr đường cát vàng+ 100ml giấm ăn+ 1/2 thìa cà phê hạt tiêu bắc giã rối (nếu có tiêu xanh bỏ qua tiêu khô). Có thể nêm nếm lại hỗn hợp ngâm cho vừa miệng hơn. Để thật nguội phần nước ngâm (bước này cũng rất quan trọng, nhớ để nước ngâm thật nguội, nếu không làm đúng các bước món bắp bò ngâm xì dầu sẽ bị nổi váng và hỏng).
Hũ thuỷ tinh ngâm bắp bò rửa thật sạch, tráng lại nước sôi già và để thật ráo nước.
Xếp bắp bò vào hũ thuỷ tinh, xen kẽ là một lớp tỏi gừng, ớt và tiêu xanh.
Làm lần lượt đến hết và đổ ngập phần hỗn hợp xì dầu vào (nhớ thịt và hỗn hợp nước ngâm phải để thật nguội).
Trời mùa đông thì để lọ bắp bò bên ngoài một ngày cho ngấm gia vị rồi hôm sau cất ngăn mát tủ lạnh, còn mùa hè làm xong phải cất ngăn mát tủ lạnh luôn, sau 5 ngày mang ra ăn được, thái lát mỏng, rứoi phần nước ngâm xì dầu lên trên, trang trí thêm gừng tỏi ớt hạt tiêu lên trên và thưởng thức, rất thích hợp với các mâm cỗ ngày tết.
3. Tai heo khìa nước dừa
Nguyên liệu
- Tai heo: 1 cái
- Xì dầu: 1 thìa canh
- Dầu hào: 1 thìa cà phê ( không có cũng không sao)
- Hạt tiêu bắc rang thơm, giã dập: 1/2 thìa cà phê
- Nước mắm: 1 thìa canh nước mắm
- Bột nêm: 1 thìa cà phê
- Đường vàng: 1 thìa cà phê
- Nước dừa tươi: 1 bát con
- Hành lá: 2 cây
- Tỏi băm: 1 thìa cà phê
- Hành củ băm: 1 thìa cà phê
- Ớt tươi: 1-2 quả hoặc dùng ớt bột khô
Cách làm
Tai heo cạo lông, bóp với dấm và muối, rửa thật sạch. Trần tai heo qua nước sôi già đun với nhánh gừng nhỏ để khử bụi bẩn và mùi hôi, để ráo nước, thái miếng vừa ăn.
Ướp tai heo với: 1 thìa cà phê đường, 1 thìa canh nước mắm, 1 thìa cà phê bột nêm, 1 thìa cà phê dầu hào, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, 1/2 thìa cà phê bột ớt Hàn Quốc nếu có hoặc bột ớt thường nếu không muốn dùng ớt tươi. Đi bao tay, bóp cho đều các gia vị. Để tai heo ngấm gia vị trong 20-30p.
Hành lá cắt khúc.
Hành tỏi băm nhỏ.
Ớt tươi thái nhỏ.
Cho dầu ăn vào nồi, dầu sôi cho hành tỏi băm vào phi cho hơi vàng, để ý không cháy, cho tai heo vào đảo đều, có thể cho thêm 1/2 thìa cà phê nước hàng dùng để kho thịt cho màu được đẹp, còn không có cũng không sao vì gia vị ướp như trên cũng tạo màu đẹp cho tai heo rồi.
Sau khi tai heo thấm đều các gia vị thì đổ nước dừa tươi vào, để lửa vừa nhỏ, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, thích ăn thêm cay thì cho ớt vào, đun đến khi hơi cạn nước, sền sệt là được. Cho hành lá cắt khúc vào đảo đều, bày ra đĩa ăn cùng cơm nóng.
Nếu ai thích ăn kiểu phá lấu thì cho thêm ít ngũ vị hương, thêm nước dừa tươi, nước cốt dừa và ninh thêm chút cho mềm hơn nha.
Với cách làm trên mọi người cũng có thể thêm cuống họng, dạ dày, lòng, sụn, lưỡi…để khìa nước dừa cũng rất ngon đó.
4. Bò hầm đậu trắng
Nguyên liệu
- 500gr thịt bò (dùng bắp hoặc phần có nhiều gân, thăn…tuỳ sở thích)
- 5 củ khoai tây
- 2 quả cà chua
- 2 củ cà rốt
- Vài cây hành hoa, rau mùi ta
- 1/2 củ hành tây
- 1 quả dừa tươi để lấy nước
- 1 hộp đậu trắng (loại họ đã chế biến, ninh mềm sẵn đóng hộp về chỉ việc bỏ vào nấu, nếu không mua được thì dùng hạt đậu trắng khoảng 200gr)
- 15ml rượu vang đỏ (nếu có,rượu vang sẽ làm tăng thêm hương vị ngon của món thịt bò hầm, còn không có cũng không sao)
- Gia vị: tỏi, hành củ, gừng, tiêu, bột canh, bột nêm, tương cà chua, đường
Cách làm
Thịt bò mua về rửa sạch, thái miếng vuông gần bằng bao diêm, ướp thịt bò với hai thìa cà phê bột canh, một thìa cà phê bột nêm, hai củ hành tím băm nhỏ, 3 tép tỏi băm nhỏ,một miếng gừng bé băm nhỏ, một thìa cà phê hạt tiêu, một thìa cà phê đường, một thìa canh dầu ăn. Đi bao tay trộn đều, bọc màng bọc thực phẩm để ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 1h cho ngấm gia vị.
Khoai tây, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch thái miếng vuông to vừa ăn.
Hành tây lột vỏ thái nhỏ.
Cà chua rửa sạch thái nhỏ.
Dừa tươi bổ lấy nước để riêng.
Rau thơm, hành hoa rửa sạch thái nhỏ.
Lấy một cái nồi, thêm chút dầu phi chút hành tỏi băm nhỏ cho thơm, đổ hết chỗ cà chua vào xào, thêm chút nước cho cà chua chín mềm. Tiếp theo đổ hết chỗ thịt bò đã ướp để ngăn mát tủ lạnh vào nồi, xào cho đến khi thịt săn lại, lúc này cho khoảng 3 thìa canh tương cà chua (loại đóng sẵn chai) để món ăn có màu đẹp và hấp dẫn hơn.
Đổ hết chỗ nước dừa tươi vào nồi thịt bò, nếu ít nước có thể cho thêm nước trắng làm sao phần nước ngập thịt bò. Đợi nước sôi hạ nhỏ lửa, nếu có bọt thì hớt bọt sau đó hạ nhỏ lửa hầm thịt.
Khi thịt bắt đầu hơi mềm, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn, đổ hết chỗ rượu vang vào nồi thịt đảo đều. Cho khoai tây vào hầm cùng, khoai hầm được 10p thì cho nốt chỗ cà rốt và hành tây thái nhỏ vào.
Khi khoai tây, cà rốt chín mềm nhưng đừng để mềm quá lại nát thì mở hộp đậu trắng, vớt hết đậu vào nồi thịt, đảo nhẹ nhàng các nguyên liệu tránh bị nát, nồi thịt sôi nêm nếm lại một lần nữa cho vừa miệng.
Hoà tan một thìa canh bột năng với chút xíu nước ra bát, từ từ đổ vào nồi hầm thịt bò, nước sánh mịn theo ý muốn. Múc thịt ra bát, rắc chút hành hoa, rau mùi và chút hạt tiêu lên trên, ăn nóng cùng bánh mỳ hoặc cơm.
Lưu ý: Món hầm này các nguyên liệu chín mềm vừa ăn không nên hầm mềm quá dẫn đến nát mất hết vị ngon.
5. Thịt nấu đông
Nguyên liệu
- Chân giò lợn còn nguyên cái: khoảng 1kg hoặc nặng hơn chút (gồm cả phần đùi và móng)
- Mộc nhĩ: 5-6 cái
- Nấm hương: 5 cái
- Hành củ khô: 4 củ
- Gia vị: hạt tiêu, bột nêm (hạt tiêu dùng tiêu bắc tự rang, tự xay qua cho thơm nhé), nước mắm ngon, dầu ăn
- Cà rốt để tỉa hoa trang trí: 1/2 củ
Cách làm
Thịt chân giò cạo sạch phần lông, rửa sạch, lọc lấy phần thịt. Phần móng chặt nhỏ.
Cho tất cả phần thịt và xương đã lọc xong vào nồi to, thêm chút nước đun sôi, đổ phần nước đó đi để chân giò bớt mùi hôi và sạch bụi bẩn, sau đó rửa lại tất cả bằng một nước nữa.
Cho phần xương vào nồi, thêm nước vào và ninh (để lấy phần nước ninh xương), ai không thích làm phần này thì có thể bỏ qua nhé, mình tiếc phần xương nên tận dụng để lấy phần nước ngọt từ xương.
Phần thịt đã lọc xong thì ướp với chút hạt tiêu, chút bột nêm, chút nước mắm, một nửa hành khô băm nhỏ cho ngon.
Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nở, rửa sạch, cắt chân và thái nhỏ.
Hành khô đập dập, băm nhỏ.
Xương ninh xong sau 20p (ninh bằng nồi ninh xương hoặc nồi áp suất), chắt lấy phần nước còn phần xương bỏ đi.
Lấy cái nồi, thêm chút dầu ăn, đổ hết phần hành băm nhỏ vào phi thơm, sau đó đổ hết phần thịt đã lọc và ướp gia vị trước đó vào xào cho săn. Đổ hết phần nước ninh xương vào nồi, nếu ít nước thì cho thêm nước, ngập thịt, hầm thịt bằng nồi áp suất hoặc nồi hầm thịt để tiết kiệm thời gian.
Lúc mới cho vào nồi hầm thì chưa đóng vung vội mà để thịt sôi, hớt sạch bọt hãy đóng chặt vung nhé cho nước được trong. Khi thịt chín mềm thì nềm nếm lại gia vị cho vừa ăn, không nên mặn quá để còn chấm thịt với nước mắm. Tiếp đến cho mộc nhĩ và nấm hương vào, nấu thêm một lúc nữa.
Nước trong nồi và thịt xăm xắp nhau là được, lúc này thịt đã chín mềm, thơm (thời gian hầm thịt khoảng 30p bằng nồi hầm) nếu ninh bằng nồi thường khoảng 40-50p hoặc lâu hơn đến khi thử thịt chín mềm là được.
Muốn nước thịt được trong thì thỉnh thoảng mở vung hớt sạch bọt nhé (nếu dùng nồi thường).
Tỉa hoa cà rốt, cho vào nồi nước trần qua.
Chuẩn bị bát to, xếp hoa cà rốt xuống đáy, rắc thêm chút hạt tiêu rồi múc thịt vào bát, lần lượt cho đến hết thịt trong bát. Sau đó dùng một cái rây, đặt lên bát thịt, đổ phần nước qua rây để lược bỏ phần cặn làm cho nước thịt đông được trong hơn bởi vì khi đổ nước vào phần cặn sẽ bị lắng xuống đáy.
Mùa lạnh làm xong cứ để thịt bên ngoài cho nguội và đông lại, sau đó mới bọc kín để ngăn mát tủ lạnh ăn dần.
Lưu ý: nếu muốn thịt đông hơn mọi người có thể cho thêm chút bì lợn làm sạch vào nồi thịt nhé, chất nhựa ở bì lợn có tác dụng làm đông. Khi múc thịt ra bát thì nhớ bỏ miếng bì lợn đi.