5 cách nấu xôi dẻo ngon xuất sắc ai ăn cũng phải khen

5 cách nấu xôi dẻo ngon xuất sắc ai ăn cũng phải khen

Để nấu một nồi xôi ngon, hạt gạo chín nục, toả mùi thơm của gạo nếp cũng cần có bí quyết.

5 cách nấu xôi dẻo ngon xuất sắc ai ăn cũng phải khen

Xôi là món ăn yêu thích của nhiều người và là món ăn sáng quen thuộc. Thay vì mua xôi ngoài quán các bạn cũng có thể học và tự làm cho mình món xôi ngon, hấp dẫn để cả nhà cùng thưởng thức.

1. Xôi vò

Nguyên liệu

  • 500gr gạo nếp
  • 300gr đậu xanh cà vỏ
  • Chút muối tinh

Cách làm:

Đậu xanh đãi thật sạch, ngâm đậu xanh trong nước thêm chút muối khoảng 3 tiếng, vớt ra để ráo nước hấp vừa chín tới, để thử đậu chín chưa thì cho hạt đậu đã hấp chín ra tay miết thử thấy hạt đậu mềm và nhuyễn là được. Đợi đậu xanh nguội cho vào máy xay thịt xay tơi mịn (nếu không có máy xay thịt thì dùng chày giã đậu xanh cho tơi mịn).

Gạo nếp đãi thật sạch, ngâm 5 tiếng, vớt ra để thật ráo nước, chú ý khi vớt gạo ra nhẹ nhàng vì lúc này các hạt gạo rất là mềm nếu mạnh tay các hạt gạo sẽ bị nát ra khi nấu xôi sẽ không còn nguyên hạt và bị nát, vì trước khi ngâm đã đãi sạch rồi nên sau khi vớt gạo ra không cần đãi lại nữa. Gạo vớt ra cũng phải để thật ráo nước, thường mình để 1-2 tiếng, cẩn thận hơn vì lần đầu làm dễ bị hỏng nên mình lấy khăn xô thấm nhẹ qua gạo một lượt để gạo được khô ráo hơn.

Sau khi hạt gạo nếp thật ráo nước, đem 2/3 chỗ đậu xanh đã xay tơi mịn trộn đều với gạo nếp, thêm vào 1/2 thìa cà phê muối, trộn nhẹ nhàng để đậu xanh bao đều hạt gạo nếp. Sau đó đổ 1/3 nồi nước (không nên đổ nhiều khi hấp sẽ tràn lên xửng hấp, làm cho xôi bị nhão), bắc xửng lên và đổ xôi vào hấp, mọi người nên kiếm một miếng vải xô phủ lên xửng hấp sau đó mới đậy vung để xôi được khô ráo, nếu không có thì thỉnh thoảng nhấc vung ra ngoài để phần hơi nước bốc lên chảy đi và không bị thấm vào xôi.

Hấp xôi trong vòng 15-20p là xôi chín (xôi chín rất nhanh) bắc ra xới đều, lúc này phần xôi chín đã thấy tơi rồi,nếu bạn nào thích ăn ngọt mát thì cho vào xôi hai muỗng canh đường lúc xôi vừa bắc xuống, đảo đều cho đường tan.

Đợi xôi bớt nóng đổ xôi ra một cái mâm hoặc cái khay to, rồi đổ nốt phần đậu xanh đã xay tơi mịn còn lại vào trộn thật đều, tãi rộng phần xôi ra là đã xong rồi đó (đi bao tay vào trộn cả nhà nhé như thế phần đậu bao phủ đều vào xôi hơn).

Có thể đổ lại xôi vào xửng hấp thêm 5p nữa bắc xuống luôn hoặc trộn xong đậu xanh như trên là ăn được luôn rồi (nếu có mỡ gà trước khi hấp lại rưới thêm khoảng 1-2 thìa mỡ gà đảo đều, không có mỡ gà thì thay bằng dầu ăn bình thường).

Xôi vò không khó chỉ cần làm tỉ mẩn chút, cố gắng để phần gạo thật khô, khi đồ tránh nước thấm vào. Phần đậu xanh cũng vậy, đảm bảo khô ráo khi vớt ra và khi đồ xong là sẽ thành công. Làm xôi này luôn dùng xửng hấp không được nấu, nấu thành xôi xéo luôn đó. Nếu thích ăn xôi vò có mùi dừa lúc ngâm gạo thì đổ nước cốt dừa vào ngâm cùng.

2. Xôi thập cẩm

Gạo nếp ngon: 500 gr vo đãi thật sạch, ngâm qua đêm, hoặc 5-8 tiếng (vo sạch rồi hôm sau chỉ vớt ra nấu chứ ko vo đãi nữa vì lúc này hạt gạo bị mềm nếu tác động nhiều sẽ bị nát).

Lạp xưởng thái lát mỏng cho vào chảo không cần cho dầu ăn, đảo lạp xưởng đến khi lạp xưởng tiết ra mỡ và để hơi cháy xém cạnh sẽ rất ngon.

Giò lụa thái mỏng.

Ruốc thịt (nếu có sẵn).

Trứng tráng mỏng, thái sợi nhỏ (nếu thích).

Tôm khô rửa sạch, ngâm nở, cho hành củ vào xào thật thơm.

Hành củ thái mỏng, phi vàng.

Hành lá thái nhỏ, dùng chính dầu ăn phi hành còn nóng đổ vào phần hành lá vài thìa để hành lá chín.

Các gia vị: hắc xì dầu (nếu có) không có thay bằng xì dầu đen, bột nêm, dầu ăn.

Đổ gạo nếp vào nồi cơm điện, thêm 1/2 thìa canh hắc xì dầu, nếu dùng xì dầu thường cho khoảng 1 thìa canh để tạo màu cho xôi, thêm 1 thìa cà phê bột nêm và một thìa canh dầu ăn, trộn đều đổ xâm xấp nước, bật nút cook như nấu cơm bình thường, đến khi xôi chín chuyển sang chế độ giữ nhiệt thì xới xôi cho đều, bật lại một lần nút cook nữa là xôi chín.

Cho thìa dầu ăn vào chảo, đợi dầu nóng thì đổ hết lạp xưởng, tôm khô, giò vào xào chín tới.

Có hai cách ăn: cho xôi ra đĩa, cho phần hỗn hợp vừa xào xong lên trên gồm có: lạp xưởng, giò, tôm khô. Thêm trứng thái sợi, ruốc, hành lá, hành khô lên trên rồi thưởng thức.

Cách ăn thứ hai: đổ hết hỗn hợp vừa xào qua vào nồi xôi, đảo đều, thêm hành lá, trứng…trộn thật đều, khi ăn rắc hành khô lên trên.

3. Xôi sắn vừng dừa

Nguyên liệu

  • 500gr củ sắn (khoai mỳ)
  • 500gr gạo nếp
  • 200gr nước cốt dừa (mua lon sẵn)
  • 100gr dừa nạo
  • Hành lá
  • Mỡ lợn hoặc dầu ăn
  • Vừng rang
  • Gia vị: bột canh, đường

Cách làm:

Sắn lột vỏ ngâm nước gạo hoặc nước muối qua đêm cho sạch nhựa, cắt phần đầu phần đuôi sắn cho ra hết độc tố.

Gạo vo sạch ngâm qua đêm.

Sau một đêm vớt sắn ra rửa lại cho sạch, bổ sắn làm bốn, tước bỏ gân ơ giữa củ sắn, cắt miếng nhỏ vừa ăn, to hơn quân cờ chút để khi nấu sắn ko bị nát quá vẫn còn nguyên miếng. Cho sắn vào nồi, đổ nước ngập thêm chút muối, đợi nước sôi vớt sắn ra ngay, gọi là luộc qua để bỏ bớt độc tố có trong sắn.

Gạo ngâm qua đêm vớt ra để ráo nước (vì vo sạch trước khi ngâm rồi nên không cần vo lại nữa, vì nếu lúc này vo hạt gạo sẽ bị vỡ dẫn đến xôi nát). Xóc gạo với 3 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê bột canh, xóc thật đều, sau đó đổ sắn và dừa nạo vào trộn nhẹ nhàng cho thật đều. Đổ tất cả nguyên liệu trên vào nồi cơm điện, thêm 200ml nước cốt dừa và chút nước cho xâm xấp trên gạo chút như nấu cơm bình thường, bật nút cook, nếu sau khi nấu xong mà vẫn chưa chín thì lấy đũa đảo đều, bật thêm nút cook một lần nữa cho xôi chín hẳn.

Hành lá thái nhỏ, đun sôi chút mỡ lợn hoặc dầu ăn đổ vào bát hành thái nhỏ, trộn đều cho hành chín tái.

Xôi chín trộn mỡ hành, múc ra bát rắc vừng lên trên.

4. Xôi gấc

Nguyên liệu

  • 1 trái gấc đã chín đỏ
  • 4 chén con gạo nếp
  • 200ml nước cốt dừa
  • Muối, đường
  • Rượu trắng

Cách làm

Gạo nếp bạn vo nhẹ nhàng qua nước sạch khoảng 2 – 3 lần, sau đó đem ngâm. Khi ngâm gạo nếp, bạn có thể thực hiện theo 2 cách:

+ Nếu ngâm với nước ấm, bạn chỉ cần ngâm khoảng 4 tiếng là được.

+ Nếu ngâm với nước lạnh, bạn ngâm qua đêm.

Tách thịt gấc:

Trái gấc bạn bổ đôi, sau đó lấy nhân cho vào chén sạch.

Tiếp theo, bạn cho 2 muỗng canh rượu trắng vào chén gấc, dùng tay sạch bóp nhẹ nhàng để tách thịt ra khỏi hột. Lúc này, bạn loại bỏ phần hạt đen đi và giữ lại thịt gấc đỏ để nấu cùng với nếp thành món xôi gấc.

Trộn gạo cùng với gấc:

Gạo nếp đã ngâm xong, gấc cũng đã tách thịt xong thì bạn trộn nếp và gấc vào với nhau, thêm khoảng 1 muỗng cà phê muối. Bạn cứ trộn nhẹ nhàng và đều tay như thế cho đến khi nếp đã phủ một màu đỏ au bóng bẩy của gấc.

Sau khi đã trộn xong, bạn cho thêm nước cốt dừa vào và trộn nhẹ thêm một lần nữa. Định lượng nước cốt dừa bài viết đưa ra là 250ml, tuy nhiên, tùy vào độ ngọt yêu thích mà bạn điều chỉnh lại cho hợp lý. Cũng có một số người khi đồ xôi không thích cho nước cốt dừa cũng không sao.

Đồ chín thành xôi gấc:

Tất cả mọi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, lúc này bạn cho gạo vào chõ hoặc xửng hấp và hấp cách thủy. Với 4 chén nếp như trên thì chỉ cần hấp trong khoảng 40 – 60 phút là xôi đã chín.

5. Xôi chim bồ câu

Nguyên liệu

  • Gạo đồ (hoặc gạo nếp thường): 1kg
  • Chim bồ câu mới ra ràng: 2 con (nếu may mắn mua được chim ngói thì bạn sử dụng 3, 4 con để nấu xôi nhé)
  • Hạt sen tươi: 200g
  • Hành khô: 100g
  • Dầu ăn, mỡ gà, mắm, muối

Cách làm

Trước hết, bạn vo gạo trong chậu bằng cách dùng tay nhẹ nhàng chà xát vào gạo, sau đó vớt gạo ra và cho vào chậu, thêm một ít nước để ngâm trong 20 phút. Nếu sử dụng gạo nếp thì bạn nên ngâm khoảng 3-4 giờ hoặc để qua đêm. Bạn không cần phải chắt nước đi đâu nhé, làm như vậy để giữ nguyên chất dinh dưỡng có trong gạo. Sau đó, bạn vớt gạo ra, để ráo nước, thêm 2 thìa cà phê muối, xóc đều cho muối ngấm vào gạo.

Tiếp theo, bạn bóc bỏ lớp màng lụa của hạt sen và dùng tăm chọc tâm sen ra. Sau đó, bạn đem rửa sạch hạt sen và để ráo nước.

Sau đó, bạn cho xôi vào một chiếc chõ, nhẹ tay dàn đều gạo trong chõ và trải lớp hạt sen lên trên. Bạn có thể dùng đũa chọc nhiều lỗ để hơi nước từ dưới chõ dễ dàng bốc lên trên giúp xôi được chín đều. Bạn đồ xôi cho đến khi gần chín thì cho mỡ gà vào (nên sử dụng mỡ gà sẽ giúp món xôi béo ngậy và thơm hơn), bạn dùng đũa đảo lên cho mỡ thấm đều, tiếp tục đồ xôi cho tới khi chín mềm thì tắt bếp rồi dỡ xôi ra, để nguội.

Trong khi chờ xôi nguội, bạn lấy hành khô đem bóc vỏ, thái mỏng rồi cho lên chảo phi thơm vàng.

Cách làm thịt chim bồ câu hơi cầu kỳ một chút, tốt nhất khi mua chim bồ câu thì bạn nên nhờ người bán làm thịt giúp. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn vẫn phải “đích thân ra tay” thì có thể làm theo hướng dẫn dưới đây.

Bạn bịt mũi chim bồ câu hoặc dìm đầu vào trong nước cho ngạt, sau đó vặt sạch lông (vặt khô mà không cần nhúng nước vì lông chim rất dễ vặt) rồi xiên chim và cho lên bếp thui cho sạch lông tơ và tạo mùi thơm. Lưu ý là không cắt tiết chim bồ câu giống như gà, vịt bởi tiết chim bồ câu rất bổ dưỡng.

Sau đó, bạn đem rửa sạch chim cho hết bẩn và lông cháy rồi dùng kéo để mổ chim.

Trong khi mổ bạn nên thật cẩn thận để không làm đứt lòng chim khiến thịt chim bị bẩn. Cách mổ như sau: bạn cắt một vòng quanh hậu môn của chim rồi rạch rộng ra, đưa mũi kéo lên trên cắt đứt cuống họng để rút diều chim ra.

Bạn lôi hết lòng, phổi, diều bỏ đi và chỉ giữ lại mề, tim, gan thôi.

Bạn băm cả xương lẫn thịt chim bồ câu cho thật nhỏ. Sau khi băm xong, bạn dùng tay nhặt bỏ các cục xương to còn xót lại. Nếu nhà bạn có trẻ em thì nên lọc bỏ phần xương ra và chỉ băm phần thịt thôi nhé.

Tiếp theo, bạn dùng chính mỡ phi hành để xào chín thịt chim, nêm thêm mắm, hạt nêm cho vừa miệng. Khi xào nhớ vặn lửa to để thịt chim không bị ra nước.

Bạn trộn thịt chim vào xôi, đảo lên cho thịt trộn đều vào xôi. Sau đó bạn cho xôi chim vào chõ, đồ lên cho nóng rồi dỡ xôi ra đĩa, rắc hành khô lên trên.

Trộn thịt chim vào xôi, đảo cho đều, sau đó cho vào chõ đồ nóng lại, tắt bếp, dỡ xôi ra đĩa, rắc hành khô phi giòn lên trên.

Món xôi chim là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị dẻo thơm của gạo đồ, của hạt sen bùi bùi và thịt chim ngọt béo, đậm đà, ăn no mà không cảm thấy ngán.