Cách làm mứt dừa không quá khó hay cầu kì một chút nào. Công thức dưới đây bạn làm chắc chắn sẽ thành công ngay từ lần đầu tiên.
Mứt dừa là một món ăn vặt thơm ngon rất được yêu thích trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Đừng lo lắng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khi mua mứt ở ngoài bởi chúng tôi đem đến cho bạn hướng dẫn cách làm mứt dừa ngon đơn giản tại nhà, đảm bảo và lại vô cùng tiết kiệm.
1. Mứt dừa non
Nguyên liệu
- 1kg cùi dừa non (không non quá, non quá sẽ bị nhũn, các bạn nhìn hình miếng dừa của mình khi lấy ra khỏi cùi vẫn đứng tròn không bị mềm oặt ra)
- 500-600gr đường (không được cho ít đường hơn vì sợ ngọt, cứ dao động trong khoảng này là được)
- 50gr sữa đặc ông thọ
- Vani dạng bột (chia thành các ống nhỏ mua trong siêu thị)
- Một quả chanh
Cách làm
Dừa non mua về gọt phần vỏ nâu bên ngoài, ngâm ngay vào chậu nước có vắt 1/2 quả chanh để dừa được trắng. Vớt ra thái dầy gần bằng 1cm không nên thái mỏng quá sau dừa còn teo lại.
Rửa dừa đã cắt sợi trong nhiều nước, đem rửa nhiều lần bao giờ thấy nước trong là được. Trung bình khoảng 8-10 nước là dừa trong nước. Mục đích rửa để dừa bớt dầu sau này sẽ không tiết ra dầu làm chảy nước.
Ướp dừa theo tỉ lệ: 1kg dừa với 500-600gr đường, không được cho ít hơn tỉ lệ trên vì nếu thiếu đường khi sên dừa không kết tinh được. Ướp từ 1-2h hoặc lâu hơn khoảng 4h mang ra sên.
Chuẩn bị một chảo chống dính hoặc có chảo nhôm đế dày thì càng tốt vì khi sên sợi dừa sẽ bông hơn.
Đổ dừa vào chảo, để lửa nhỏ, đến khi dừa bắt đầu sôi lăn tăn đến khi dừa gần cạn nước thì hoà 50-100gr sữa đặc ông thọ với chút nước trắng đổ vào chảo dừa, cứ 5p đảo một lần, không nên đảo quá nhiều tránh lại đường. Không nên cho sữa ông thọ sớm quá tránh cho mứt bị vàng. Đến khi đảo bắt đầu thấy hơi nặng tay, thấy đường bắt đầu có hiện tượng kết tinh cho nhỏ lửa hơn nữa và đảo liên tục không rời (chú ý nhất ở khâu này tránh dừa bị cháy), đảo thêm chút xíu thì nhấc chảo dừa ngay ra khỏi bếp thêm một ống vani và đảo liên tục bên ngoài cho bông đường lên, các hạt đường bám xung quanh sợi dừa là được. Lúc này đường kết tinh hoàn toàn bông trắng.
Đổ mứt dừa ra một cái mâm hoặc cái khay lớn, đi bao tay vào bật quạt lên, dùng hai tay đảo mứt trước quạt (khâu này rất quan trọng nhé nên mọi người chú ý, vì sẽ làm cho mứt không bị ướt, tay vun sốc mứt liên tục nhé đến khi khô hẳn thì thôi) vừa đảo vừa tãi ra đến khi mứt nguội hẳn thì thôi nhưng vẫn hong mứt trước quạt khoảng 2-3 tiếng để mứt khô ráo hẳn không chảy nước.
Nếu muốn tạo màu cho mứt các bạn có thể dùng các màu sau: lá nếp, trà xanh, cacao…cho mùi rất thơm. Ngoài ra còn có các màu: hoa đậu biếc, hạt dành dành, củ dền, lá cẩm là những màu tự nhiên đẹp nhưng mùi thì không được thơm nên khi tạo màu các bạn cho thêm vani dạng bột tạo mùi hấp dẫn hơn. Chú ý không nên cho các loại mứt chua để tạo màu, ví dụ như màu atiso mứt sẽ không kết tinh được nhé. Các loại bột màu thêm chút nước trộn cùng với đường vào dừa ngay từ đầu. Các loại lá, cây xay ra lọc lấy nước cốt cũng đổ vào ngâm với dừa ngay từ đầu (chỉ lấy nước cốt khoảng 100ml với công thức trên cho một loại màu nhé, khi ngâm cùng với mứt sẽ tiết thêm nước các bạn đừng lo lắng cứ đổ vào sên, bớt lại một ít phần nước tiết ra khi nào mứt sền sệt thì đổ nốt vào sên tiếp để được màu đẹp hơn).
Các bạn sợ sốc mứt trước quạt làm cho đường bay tứ tung khắp nhà thì các bạn có thể sốc trên chảo luôn cũng đc sau khi mứt đã kết tinh hoàn toàn trên chảo nhé và không cần quạt nữa. Quạt để sau khi mứt nguội hoàn toàn rồi. Các bạn vừa xoa vừa sốc lên, cho các hạt đường rơi ra hết khỏi mứt nhé. Để một lúc mà thấy mứt ướt là do mứt của các bạn chẳng may chưa đạt đến độ, nếu vậy các bạn lại cho mứt lên chảo để lửa nhỏ nhất, sên thêm khoảng 15p nữa rồi lại lặp lại các bước như lúc đầu nhé.
Lượng đường kết tinh mà bám vào mứt nhiều quá sau cũng gây ra hiện tượng chảy nước nên làm xong các bạn vo vo, xoa xoa nhẹ nhàng cho đường rơi bớt ra nhé, rồi rũ sạch cho vào lọ đậy kín.
2. Mứt dừa viên
Nguyên liệu:
- 800g cùi dừa bánh tẻ
- Lá dứa
- 2 quả chanh leo
- 400g đường
- 1 gói cà phê
- 50ml sữa tươi không đường
Cách làm:
Cùi dừa gọt bỏ lớp vỏ nâu, rửa sạch, cắt thành các miếng vuông nhỏ, rộng cỡ 1 cm. Cho cùi dừa vào ngâm trong chậu nước có pha nước cốt chanh để dừa được trắng, mềm. Đem cùi dừa rửa sạch bằng nước ấm nhiều lần cho đến khi nước rửa hết đục. Làm vậy để loại bỏ dầu dừa, mứt dừa làm ra sẽ không bị ngấy và giữ được lâu. Sau đó vớt cùi dừa ra rổ, để ráo nước.
Đun một nồi nước sôi, đổ dừa vào chần qua trong khoảng 1 -2 phút. Rồi đổ dừa ra rổ cho nguội và ráo nước.
Cùi dừa chia làm 4 phần bằng nhau (mỗi phần 200 g cùi dừa), cho vào 4 tô lớn. Đường cũng chia làm 4 (mỗi phần 100 g) cho vào chén nhỏ để dễ làm. Tô dừa thứ nhất cho 50ml sữa tươi không đường và 100gr đường trắng vào trộn đều cùng cùi dừa.
Lá dứa rửa sạch, cắt khúc nhỏ, đem đi xay nhuyễn cùng 80 ml nước lọc bằng máy xay sinh tố. Dùng rây hoặc khăn xô sạch để lọc bỏ bã, vắt lấy nước cốt. Cho nước cốt lá dứa và 100 g đường vào trộn cùng cùi dừa ở tô thứ 2.
Chanh dây rửa sạch, cắt làm đôi, dùng thìa múc lấy phần ruột. Tiếp đến dùng rây hoặc khăn xô để lấy nước cốt, bỏ phần hạt đi. Cho nước cốt chanh dây cùng 100 g đường trộn đều với dừa ở tô thứ 3.
Cà phê đem hòa tan trong 80ml nước. Đổ cà phê hòa tan và 100gr đường vào tô dừa thứ 4, trộn đều. Hoặc chỉ ướp đường với dừa còn cà phê thì rắc trực tiếp vào khi bắt đầu sên dừa.
Ngâm dừa với hỗn hợp nước màu khoảng 2 tiếng, đến khi đường hoàn toàn tan hết thì bắt đầu sên mứt. Lần lượt sên từng loại riêng nhé! Đun sôi dừa rồi giảm lửa vừa ngay, đảo đều tay. Khi đường bắt đầu sánh keo lại thì giảm lửa liu riu, đảo đều. Đường kết tinh thì tắt bếp nhưng vẫn đảo mứt thêm khoảng 1 -2 phút nữa rồi trút ra mâm hoặc mẹt sạch, để nguội.
Xong mẻ này thì làm mẻ mứt khác. Thực hiện 4 lần sẽ cho ra mứt dừa trắng cơ bản, mứt dừa màu xanh, mứt dừa màu vàng và mứt dừa vị cà phê màu nâu.
Với chút sáng tạo nho nhỏ, bạn đã có món mứt dừa viên bốn màu vừa ngon vừa đẹp để đãi khách Tết này rồi.
Cách bảo quản mứt dừa giữ được lâu và ngon:
- Sau khi làm mứt xong bạn cần cho ra khay và để thật nguội mới đem đi cất. Bước này khá đơn giản tuy nhiên chỉ chút nóng vội, việc cất mứt sớm trước khi nguội sẽ làm mứt dừa chảy nước, mất vị ngon.
- Bảo quản mứt dừa trong các túi nilon hoặc hũ kín. Tốt nhất nên bảo quản trong hũ thủy tinh kín khí.
- Khi bảo quản trong lọ đựng, nên cho vào trong đó 1 lớp đường. Lớp đường sẽ có chức năng hút ẩm cho mứt, giúp bảo quản mứt lâu hơn.
- Khi cho mứt ra khay và khi không sử dụng đến mứt nữa nên đậy kín khay đựng mứt lại. Nếu bày ra khay thì nên áng chừng lượng mứt sử dụng để cho mứt ra khay, chỉ bày ra đủ dùng, hết rồi lại bày ra tiếp, hạn chế tiếp xúc với không khí ẩm bên ngoài.
- Chuẩn bị nĩa để xiên mứt và đảm bảo mứt được sạch sẽ hơn. Tránh việc dùng tay làm ẩm ướt những sợi mứt hoặc viên mứt khác, dễ chảy nước.
- Không bày mứt dưới nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Sự nóng lên của nhiệt sẽ làm đường tan chảy.
- Nếu bảo quản mứt trong tủ lạnh, nên hạn chế lấy mứt, hoặc lấy mứt trong tủ lạnh ra, tránh đem cả lọ (túi) mứt ra ngoài, tránh việc tiếp xúc với môi trường bên ngoài sẽ dễ bị chảy nước do chênh lệch mức nhiệt, mứt mất vị ngon.
- Khuyến cáo chỉ nên bảo quản mứt dừa trong tối đa 1 tháng để có được chất lượng sử dụng tốt nhất. Và lưu ý nên bỏ mứt đi nếu mứt có sự thay đổi về màu sắc.