Đậu đen là loại ngũ cốc cung cấp nhiều chất dinh dưỡng, còn có nhiều tác dụng hay như dưỡng não, bổ thận, giải độc, phòng chống tiểu đường, bệnh tim mạch, làm chậm lão hóa, chữa bệnh gút, bổ tim, giảm ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú,… Ngoài ra đây cũng là nguyên liệu chế biến món chè giải khát nổi tiếng, là loại thực phẩm không thể thiếu tại Việt Nam.
Tuy là loại thực phẩm quen thuộc trong gian bếp nhưng không phải bà nội trợ nào cũng biết cách lựa chọn, nấu nướng và bảo quản đậu đen.
Vậy hãy cùng xem những chia sẻ bí quyết dưới đây để có thể sử dụng và phát huy công dụng tốt nhất cảu đậu đen nhé!
Chọn đậu ngon
Đậu đen ngon nên chọn hạt mẩy tròn đều, bóng, có màu và kích cỡ đều nhau. Nếu có điều kiện, nên chọn đậu đen ta, hạt hơi nhỏ nhưng mềm và thơm.
Tùy thuộc vào chất lượng và độ tươi của hạt mà bạn có thể mất khoảng 2 giờ hoặc lâu hơn để hầm mềm chúng. Thông thường, đậu tươi nhờ chứa độ ẩm nhiều hơn nên tốn ít thời gian hơn để nấu.
Đậu đen cũng có “hạn sử dụng” đấy! Vậy nên, bạn chỉ nên mua vừa đủ cho mỗi lần dùng thay vì dự trữ nhiều trong bếp. Đậu đen mua về chỉ nên dùng trong vòng một tháng và lưu trữ trong hộp kín ở nơi thoáng mát.
Ngoài đậu tươi, trên thị trường còn có bán đậu đen đóng hộp đã được nấu chín. Nếu không có nhiều thời gian nấu nướng với đậu đen, bạn có thể mua chúng về và nấu theo công thức. Đậu đóng hộp chưa mở cũng chỉ nên sử dụng trong vòng 1 năm. Đậu đóng hộp khi đã mở nắp dù cho được bảo quản trong tủ lạnh cũng chỉ nên được sử dụng trong vòng 5 ngày.
Tại sao phải ngâm đậu đen trước khi nấu?
Trước khi nấu bạn nên vo, xả sạch, lựa bỏ hạt đậu lép. Tiếp đến cho đậu vào nồi nấu với nước xăm xắp trong 2 phút, sau đó chắt bỏ nước và cho nước lạnh vào ngâm từ 2-4 giờ. Cách này sẽ làm giảm đáng kể thời gian nấu và loại bỏ vị chát của vỏ.
Tuy nhiên bạn cần lưu ý không ngâm đậu quá lâu hoặc ngâm trong thời tiết nóng vì đậu sẽ dễ lên men. Chỉ nên ngâm trong vòng 4 tiếng hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh nếu thời tiết ngoài trời khá nóng bức.
Lưu ý khi nấu đậu đen
Trong quá trình nấu lưu ý không thêm bất kỳ các thành phần có tính axit nào như chanh, giấm, rượu cũng như đường vào cho đến khi đậu đã được hầm mềm.
Nếu cần bổ sung nước hầm đậu, bạn nên cho nước nóng thay vì nước lạnh.
Sau khi đậu mềm, cho 1 ít muối vào để đậu hoàn thành được mềm, bùi và có vị thanh hơn.
Khi nấu món có nhiều loại đậu khác nhau, bạn nên nấu riêng từng loại, vì mỗi loại đều cần một thời gian chín khác nhau.
Bí quyết nấu chè đậu đen ngon
Để hạt đậu không nát nhừ hay lòng đậu cũng có vị ngọt lại cần có bí kíp riêng.
Để hạt đậu nhanh nhừ, nước sánh, trước khi cho nước vào nấu, bạn nên cho đậu vào nồi, để lửa to, rang khoảng 10 phút đến khi bề mặt ngoài hơi nhăn lại mới cho nước vào hầm nhừ.
Muốn lòng đậu thấm ngọt, canh khi hạt đậu đã mềm, chắt bớt nước ra, cho đường vào đậu, trộn đều, tắt bếp, ngâm trong 30 phút cho thấm ngọt, hoặc nấu trực tiếp trên lửa nhỏ. Khi nấu với đường lưu ý khuấy thường xuyên để đường không bị cháy nồi. Sau 15 phút, trút nước đậu đen trở lại, nấu tiếp.
Bạn có thể biến tấu món chè đậu đen bằng cách thêm gừng, nha đam, chân châu, dừa sợi… tùy thích.
Ngoài món chè đậu đen quen thuộc, đậu đen hầm chân gà bồi bổ, xôi đậu đen hay gà tiềm đậu đen cũng là món ngon bạn nên thử.