Skip to content

Tổng hợp cách làm 10 món dưa muối tuyệt ngon không lo nổi váng hay bị khú

Muốn các món dưa muối ngon để được lâu, không nhớt, không màng hay bị khú đều cần có bí quyết.

Ngày hè nóng, món dưa muối bắp cải, dưa muối ớt, cà pháo là món ăn khoái khẩu của mọi nhà ăn mãi vẫn thích. Hãy chuẩn bị sẵn 1 vài món để bữa ăn của nhà bạn trở nên hoàn hảo nhất.

1. Cà pháo cay ngọt

Nguyên liệu:

– 1 kg cà pháo, 1/2 kg muối, 1 củ riềng, 1 củ gừng, 200 g ớt xay, 1 củ tỏi.

– Đường cát, nước mắm.

Cách chế biến:

– Cà pháo mua về gọt bỏ cuống, rửa sạch để ráo nước. Đun sôi khoảng 1 lít nước, cho muối vào hòa tan. Tỏi đập dập cho vào cùng.

– Cho cà pháo vào hũ thủy tinh, chế nước muối đã nguội vào ngập mặt cà, đậy kín nắp lại trong khoảng 7 ngày là được.

– Cà pháo sau khi ngâm lấy ra rửa lại với nước ấm, thái đôi để làm mắm cà.

– Gừng, riềng gọt vỏ, thái sợi. Cho 300 ml nước lọc, 1 thìa canh nước mắm, 200 g đường cát rồi đun sôi.

– Nước mắm đường để nguội, cho gừng, riềng, ớt xay vào trộn đều.

– Tiếp đến cho cà vào trộn thật đều. Cho cà vào lọ thủy tinh, đậy nắp kín lại trong khoảng 1 ngày cho thấm gia vị.

– Cà pháo ngâm chua ngọt thường được ăn kèm với thịt luộc và cơm trắng, vừa đậm đà, vừa ngon miệng.

2. Sung muối xổi

Sung cắt bỏ núm, thái lát tròn mỏng vừa, thả vào chậu nước lã có pha chút dấm hoặc nước cốt chanh, rửa lại bằng nước sạch, tráng qua nước sôi để nguội, để ráo.

Cho sung vào tô, đeo găng tay nilon vào và trộn đều cùng tỏi, ớt bằm và gia vị theo tỉ lệ 1 đường: 3-4 dấm trắng : 1/3-1/2 bột canh. Độ chua, cay, mặn, ngọt có thể thêm hay bớt tuỳ theo khẩu vị.

3. Sấu ngâm mắm ớt tỏi

Nguyên Liệu:

– Sấu non: 1kg, ớt chín: 10 quả, tỏi: 3 củ

– Nước mắm: 750ml, đường: 1 muỗng canh lớn, dấm: 1 muỗng canh lớn, muối trắng: 1 thìa lớn

Cách làm:

Sấu cạo sạch vỏ, bổ đôi, rửa sạch để ráo nước

Cho muối trắng vào 1l nước trắng rồi đổ sấu vào ngâm khoảng 8 tiếng rồi vớt ra rửa lại với nước sạch, để ráo nước

Cho sấu, đường, tỏi, ớt, dấm vào cùng 1 chiếc bát, trộn đều để khoảng 20 phút cho ngấm gia vị

Vớt sấu, tỏi, ớt vào 1 chiếc lọ, đổ mắm vào đậy kín, để tủ lạnh. Sau 4 ngày có thể ăn được rồi.

Sấu ngâm mắm tỏi ớt có màu xanh đẹp mắt, vị đậm đà, chua chua, cay cay, có khả năng kích thích vị giác rất cao giúp bạn cảm thấy ngon miệng. Món sấu ngâm mắm ớt này có thể ăn kèm với các món rau luộc, nước sấu ngâm mắm ớt dùng để chấm, quả sấu ăn với cơm chan canh vô cùng hấp dẫn.

4. Dưa leo dầm mắm chua giòn

– Một kg dưa leo rửa sạch, bỏ ruột, cắt xéo, ngâm với 50gr muối hạt trong 2h.

– Vớt dưa ra rửa sạch nhiều lần cho bớt mặn, để ráo. Ngâm tiếp số dưa đó trong thau nước đá trong 30 phút. Vớt ra để thật ráo nước.

– Nấu một lưng bát nước mắm và một chén đường vàng, đợi sôi tan đường, tắt bếp để thật nguội

– Vớt dưa leo bỏ hũ, cho thêm tỏi cắt khoanh, ớt cắt vào.

– Đổ hỗn hợp nước mắm đường vào hũ dưa, sao cho ngập. Dùng vật nặng chèn lại cho dưa ngập mắm. Bảo quản tủ mát, sau một ngày có thể ăn được.

– Món dưa mắm ăn sống cũng ngon, chế biến xào chung với tôm thịt cũng ngon. Nếu xào thì bỏ dưa vào sau cùng và chỉ nên đảo vài vòng trước khi tắt bếp, tránh dưa bị mềm. Thịt rang dưa mắm, ăn kèm canh khoai mỡ rất hợp.

5. Dưa giá

Nguyên liệu: giá, hẹ, đầu trắng của hành lá ( không có cũng được), hành tím, cà rốt và ớt sừng đỏ. Để ráo nước. Hẹ, hành tím, cà rốt, ớt.

Pha đường và muối tỉ lệ 6:1 (muong an com) Với 2 lít nước ấm sau cho giấm vào. Nếu bạn muốn dưa giá muối tối hôm trước và ăn trong chiều ngày hôm sau thì cho giấm chua một chút, nếm có vị ngot, ít mặn và chua.

Sắp giá vào hũ, cho nước pha (vẫn còn nóng ấm, nếu nguội thì đun lại), đổ ngập mặt giá, dùng vật gì đặt len trên cho giá luôn chìm trong nước. Đậy kín. thường thì tớ muối hơn 1 ngày là giá chua ăn được. Muốn an nhanh ngày hôm sau thì lúc pha minh cho giấm nhiều hơn chút nhé.

Dưa giá muối chua chứ không mặn, nên tỉ lệ muối cho rất ít. Bạn có thể gia giảm theo của bạn, không nhất thiết phải y trang như vậy. Cái chính là nếm có chua và ngọt , chút xíu mặn là được. Muốn giữ lâu ăn vài ngày thì khi giá đã ăn được tớ cho vào lọ thủy tinh kín để trong tủ lạnh

6. Dưa góp

Nguyên liệu

– 1 củ cà rốt, 1 củ su hào, 2 quả dưa chuột

– 6-7 nhánh tỏi, 2-3 quả ớt cay

Cách thực hiện

– Dưa chuột bổ đôi, bỏ ruột, su hào cà rốt rửa sạch sau đó dùng dao có hình răng cưa cắt tất cả thành hình sao cho đẹp mắt, trộn với 2 thìa cà phê muối tinh, ướp trong 15 phút, đổ bỏ phần nước tiết ra để rau củ được giòn hơn.

– Pha nước ngâm dưa góp: Pha theo tỉ lệ 1:1, 1 bát giấm, 1 bát đường, 1 bát nước mắm, 1 bát nước trắng, đun sôi phần hỗn hợp này, thêm tỏi đập dập hoặc thái lát. Đợi hỗn hợp nguội hẳn thì thái ớt thêm vào (tuỳ độ cay của mỗi gia đình mà cho vừa khẩu vị)

– Chuẩn bị bình thuỷ tinh, tráng nước sôi già, để bình được khô ráo. Xếp tất cả dưa chuột, cà rốt, su hào vào bình. Đổ hết phần hỗn hợp ngâm vào, đậy lắp, sau 1 ngày là ăn được. Nếu muốn để lâu thì sau một ngày cho dưa góp vào ngăn mát tủ lạnh ăn dần.

7. Muối dưa cải bẹ

Nguyên liệu

– Dưa cải bẹ: 2,5 kg

– Đường: 100 gram, mì chính, muối tinh hoặc bột canh: 6 thìa con

– Hành lá, ớt 3 quả, tỏi 3 củ, riềng 1 củ

– 3 lít nước lã đun sôi để nguội

Cách muối dưa cải bẹ giòn ngon

– Cải bẹ mua về tách rời từng lá, rồi rửa sạch, vứt bỏ lá úa. Xếp cải ra mâm phơi cho cải héo.

– Sau đó rửa sạch rồi cắt khúc dài chừng 5 cm, để cho ráo nước. Hành lá cắt khúc rồi rửa sạch. Hành và cải trộn đều với nhau.

– Nước muối dưa gồm có: 3 lít nước lã đun sôi để nguội + 100 gram đường + 2 thìa mì chính + 6 thìa gia vị rồi đảo tan.

– Xếp dưa vào bình rồi đổ nước muối dưa lên. Cho thêm tỏi, ớt lên trên mặt rồi dùng vật nặng sạch đè lên. Đợi khoảng 2 ngày làm món dưa cải bẹ muối ăn được.

8. Dưa mắm

Nguyên liệu:

– 2 quả dưa chuột, 2 nắm muối hạt, Ớt, tỏi

– Nước mắm, đường, nước hàng.

Cách làm:

Bước 1: Dưa mua về chẻ đôi, cắt xéo từng miếng, dày khoảng 3 cm. Cho muối vào, chờ muối tan và thấm vào dưa.

bước 2: Lấy dưa ra, rửa và vắt ráo. Nếm thử dưa mặn hay nhạt để khi nấu nước mắm đường cho vừa ăn.

Bước 3: Nấu nước mắm: Cho nước mắm, đường và chút nước lạnh vào quấy tan. Nêm nếm cho đậm đà. Thêm chút nước hàng nấu sôi và để nguội. Dưa sau khi vắt ráo nước, trộn với tỏi và ớt cắt lát, cho vào lọ. Cho nước mắm nấu nguội vào.

Bước 4: Đậy kín và cất nơi thoáng mát. Dưa từ từ chuyển màu và ăn được sau khoảng 5 ngày đến 1 tuần. Khi ăn lấy ra một ít, trộn với đường, chanh và tỏi băm.

9. Rau muống muối

– Rau muống trắng nhặt sạch lá còn cậng, rửa sạch dưới vòi nước.

– Sau khi đã rửa sạch, cho muối trắng vào ngâm 15-30p cho sạch vi khuẩn, đất, cát…

– Đun nước sôi, thả rau vào chần sơ…

– Sau khi chần sơ ngâm ngay vào khay nước đá (điều này sẽ giúp rau xanh rất đẹp mắt và rất giòn) nên các mẹ đừng bỏ qua bước này nhé!

– Chuẩn bị gia vị: tỏi, ớt băm nhỏ,giấm, đường, nước sôi để nguội. Về tỉ lệ thì thực sự em cũng ước lượng thôi chứ ko có công thức chính xác, các mẹ hình dung như khi pha nước chấm chua ngọt chấm nem hoặc làm nộm ấy. Tuỳ lượng rau các mẹ nhé!

– Cắt rau làm 2,3 khúc tuỳ sở thích, ướp 1 lớp rau, 1 lớp tỏi ớt, 1 thìa đường, 1 thìa muối…

– Sau khi xếp xong các mẹ đổ xăm nước giấm tỉ lệ 4 bát nước: 1 bát giấm

– Và đây là thành quả của em. Các mẹ có thể chén sau 1,2 ngày. Rau giòn, thơm mùi tỏi, chua ngọt rất vừa miệng. Đảm bảo ông xã thích mê.

10. Dưa cải bắp

Nguyên liệu:

– 1 bắp cải thật xanh, tươi

– Lọ, hũ thủy tinh dung tích khoảng 5 – 7 lít, miệng rộng, có nắp đậy, rửa sạch, để ráo. Vài nan tre mỏng hoặc dĩa sứ nặng có thể bỏ lọt vào hũ.

– 1 bó rau cần, 1 bó rau răm, 1 củ tỏi.

Cách làm:

Bắp cải gỡ từng lá, rửa sạch, xắt sợi, để ráo. Rau cần rửa sạch, cắt khúc. Tỏi giã dập. Rau răm rửa sạch, cắt vừa.

Nấu sôi 2 lít nước với 50gr muối bột, 100gr đường, 1/2 chén giấm. Nấu tan muối, đường rồi để mở vung cho mùi dấm bay hơi bớt, nước nguội bớt nhưng vẫn còn nóng già. Mình dùng giấm táo nên nước hơi có màu đỏ một chút.

Trộn đều bắp cải, rau cần, rau răm, tỏi rồi cho vào lọ thủy tinh, nén nhẹ nhàng, đừng nén chặt quá nước muối sẽ khó thấm đều vào dưa. Gài vài nan tre ngang mặt dưa sao cho khi châm nước vào dưa sẽ không nổi lên trên; bạn cũng có thể dùng một dĩa sứ nặng đè trên mặt dưa.

Châm hỗn hợp nước giấm còn nóng già vào hũ dưa, dưa sẽ dịu xuống nhanh, bạn đậy kín hũ dưa lại, cất nơi thoáng mát. Để qua một ngày là dưa bắt đầu chua, ngày thứ hai dưa vẫn còn nồng nhưng có thể dùng ăn kèm vài món ăn tùy khẩu vị.

Mỗi khi lấy dưa ra ăn, luôn nhấn chìm phần dưa còn lại trong hũ dưới mặt nước muối.

Sau khi ăn hết dưa, nếu muốn làm ngày một hũ khác thì bạn giữ lại một ít nước muối cũ, sau khi làm hũ dưa mới và châm nước muối mới vào thì cho thêm chừng 1 chén nước muối cũ, thời gian dưa chua sẽ nhanh hơn.