Nấu ăn chưa bao giờ là việc đơn giản, đặc biệt là đối với các chị em phụ nữ bận rộn với công việc ngoài xã hội, gia đình. Đối với thang điểm chuẩn nấu ăn, các món khó nấu nhất là canh hầm, món kho và chiên. Vì thế, để có được một nồi canh trong veo, đậm đà, thơm nức mũi cần phải có rất nhiều yếu tố.
Không chỉ có mẹ mới nấu được nồi canh thơm ngon, trong veo đẹp mắt đâu nhé! Giờ đây bạn cũng có thể làm được điều đó với 4 mẹo đơn giản sau.
Làm sạch nguyên liệu hầm canh
Đối với canh, nguyên liệu chính vẫn là thịt, tôm, cá… nhưng quan trọng hơn cả chính là xương động vật để giúp nước dùng được ngọt hơn. Xương sẽ giúp món canh thêm đậm đà nhưng cũng chính chúng sẽ làm “xấu” đi nồi canh của bạn. Nếu không biết sơ chế đúng cách, nguyên liệu này sẽ khiến nồi canh bị đục, bọt nổi lềnh bềnh.
Để hạn chế tình trạng này, bạn chỉ cần rửa thật sạch xương (cá, tôm, thịt) trước khi cho vào nồi hầm. Nên trần sơ nguyên liệu khoảng 3 phút rồi vớt ra, cho vào nước đá, sau đó mới bắt đầu hầm theo thông thường. Cách này giúp loại bỏ tạp chất, các chất cặn bã bám sâu trong nguyên liệu có thể sinh ra bọt đục ngầu khiến nồi canh mất thẩm mĩ.
Nấu nhỏ lửa, không nóng vội
Đối với món canh khi hầm thì nhiệt độ vừa phải là chìa khóa tạo nên sự thành công. Nếu một nồi canh được nấu với nhiệt độ không đều, lửa quá to sẽ khiến hương vị không còn đậm đà, giống như việc ngâm hóa chất thúc trái cây chín vậy. Để nước dùng không bị hăng cũng như đục bạn tuyệt đối không được tăng nhiệt độ đột ngột. Điều này khiến bọt sôi nhanh chóng, nổi bong bóng khiến nước bị đục.
Ngoài ra, cách này còn khiến nguyên liệu chưa kịp tiết ra nước ngọt, ảnh hưởng đến hương vị chung của tô canh thành phẩm. Nên nhớ, tuyệt đối không được đậy vung trong quá trình hầm vì điều đó sẽ khiến nước dễ bị đục và có bọt trông rất xấu.
Cho một củ hành tím vào nồi nước hầm
Đây là mẹo nấu ăn của người dân Thái. Không phải ngẫu nhiên mà người Thái ăn rất nhiều gia vị đâu, tổ tiên của họ đã sớm phát hiện gia vị giúp cho món ăn tăng hương thơm rất nhiều, đặc biệt là canh. Theo đó, trước khi hầm canh, người Thái có thói quen cho vào nồi nước một củ hành (nướng càng tốt) đã đập dập hoặc rễ rau ngò, vài lát xả cây. Điều này được chứng minh sẽ giúp nồi nước hầm được trong và không có bọt, không bị đục màu. Chúng còn giúp nước dùng ngọt tự nhiên, đậm đà và khử được mùi tanh hôi của các loại nguyên liệu khác.
Xử lí các tình huống phát sinh
Nếu như một nồi canh chẳng may bị đục, đừng quá lo lắng. Lúc này bạn hãy dùng một tấm vải siêu thấm và sạch rồi cho vào nồi canh trụng khoảng vài chục giây rồi vớt ra ngay. Vải sẽ giúp hút các chất bẩn và màu đục của nồi canh, cho màu nước trong trở lại. Hoặc bạn cũng có thể cho một ít lòng trắng trứng vào và để đấy tầm vài phút. Khi thấy trứng cô đặc lại thì hãy nhanh chóng vớt ra.
Nếu nồi canh có quá nhiều váng mỡ thì hãy cho ngay vào viên đá vào rồi vớt ra ngay. Đá lạnh sẽ giúp cấp đông ván mỡ và tụ thành khối khiến bạn dễ dàng hớt bỏ. Nồi canh quá mặn hoặc đậm vị bột ngọt thì chỉ cần cho vào vài lát củ cà rốt hoặc củ cải. Hai nguyên liệu này cung cấp độ ngọt đậm đà tự nhiên cho nồi canh, giúp tăng hương vị và triệt mùi hôi của xương.
Nấu canh là một trong những bước thử thách đầy khó khăn đối với các chị em phụ nữ. Nhưng với những mẹo vặt hữu ích này, nấu một nồi canh đối với bạn sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Hãy nhanh chóng lưu lại những “bí kíp” này để mỗi bữa ăn của gia đình luôn ngập tràn tiếng cười, niềm vui và tình yêu thương bạn nhé!