Các món hấp tuy cách nấu đơn giản nhưng lại thanh đạm, đặc biệt luôn giữ được hương vị tự nhiên của nguyên liệu và giữ được các chất dinh dưỡng.
Dưới đây, Bếp sẽ bật mí những món hấp thơm ngon bổ dưỡng đổi vị cho bữa cơm gia đình mà bạn có thể tham khảo nhé.
1. Gà hấp muối sả
Nguyên liệu
- Gà ta: 1 con khoảng 1,5kg, chọn gà thả vườn hoặc gà mái một lứa là ngon nhất.
- Sả: 6 cây
- Muối hạt: 1kg hoặc hơn 1kg, càng nhiều muối thì nước gà không chảy xuống nồi làm cháy nồi ( nên rang muối trước khi hấp gà, thì muối không bị chảy nước).
- Lá chanh: 4-5 lá
- Hành tây: 1 củ
- Rau răm: 1 mớ (nếu có)
- Hành củ khô
- Gia vị: hạt tiêu, bột nghệ để xoa lên da gà nếu thích gà có màu vàng đẹp, không thích bột nghệ thì không cần, bột nêm hoặc bột canh…
- Nồi đế dầy để hấp gà
- Giấy bạc để lót đáy nồi, nếu cần thiết nhưng làm không cẩn thận còn bị cháy cả gà và nồi, lát mình viết rõ hơn để cho mọi người cùng lưu ý
Cách làm
Gà rửa sạch, dốc ngược cho nước bên trong chảy hết ra, thấm thật khô để ráo.
Gia vị ướp gà (phần này ai thích vị gà đậm đà hơn thì làm, không cần thì thôi không bắt buộc): 1 thìa cà phê bột nêm (hoặc 1/2 thìa cà phê bột canh), 1/2 thìa cà phê bột nghệ, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, 1/2 thìa cà phê tỏi băm, 1/2 thìa cà phê hành củ băm. Trộn đều, xoa đều lên khắp mình gà, để 10-15 phút cho ngấm gia vị. Nhồi vào bụng gà một ít sả đập dập, 2 lá chanh, hành củ khô đập dập, ít rau răm nếu có thì gà sẽ thơm hơn.
Chuẩn bị nồi để hấp gà: dùng nồi dế dầy, rửa sạch, lau thật khô, trải một lớp muối thật dầy xuống đáy nồi (muối nên rang qua), phủ kín đáy nồi. Đập dập các nhánh sả, xếp lên trên lớp muối phủ kín lớp muối, thêm lớp hành tây nếu có để khi hấp xong gà sẽ rất thơm, rắc vài lá chanh, lá chanh nên để cả lá không bị đắng, đập thêm nhánh gừng nếu thích.
Cố gắng lót cho dầy lớp sả, hành tây…phủ kín lớp muối, không để phần thịt gà tiếp xúc với muối, làm cho gà bị mặn hoặc cháy. Bước này mọi người cũng có thể dùng vật gì kê gà để gà không tiếp xúc với lớp muối sả, miễn là an toàn, không gây cháy nổ là được nha.
Gà tẩm ướp xong thì đặt ngửa con gà lên cho vào nồi hấp. Nhớ đặt ngửa để nước gà không bị chảy xuống đáy nồi, làm cháy nồi.
Hấp gà trong thời gian 40-45 phút lửa nhỏ (không hấp lửa to, rất dễ cháy).
Nếu ai muốn dùng giấy bạc thì lót xuống phía dưới đáy nồi thì nhớ lưu ý vì nếu làm thành công thì vệ sinh nồi sau khi hấp xong sẽ rất dễ nhưng rất dễ bị cháy đáy nồi. Mọi người lưu ý không để nước gà chảy xuống đáy nồi nhiều, dùng nồi đế dày và khi hấp nên để lửa nhỏ thôi.
Hoặc có cách là sau khi làm lớp muối, sả xong thì bọc gà bằng giấy bạc cho vào hấp, theo mình cách này sẽ làm cho gà chín nhanh, giảm nguy cơ bị mặn nhưng gà sẽ không có nhiều mùi thơm của hành tây, sả, lá chanh bốc hơi lên.
Gà chín thì bỏ ra ngoài cho đỡ nóng, xé gà ăn là ngon nhất với cách hấp như này. Chấm cùng các loại nước chấm theo sở thích mỗi nhà. Có thể tận dụng phần muối phía dưới gà pha nước chấm.
Ăn kèm các loại rau sống, thêm ít xoài ương trộn với cà rốt, vắt thêm chút chanh, đường, tỏi băm, bột ớt, trộn đều ăn cùng cực ngon đỡ ngấy.
2. Nấm kim châm hấp xì dầu (nước tương)
Nguyên liệu
- 1 bó nấm kim châm
- 1 ít hành lá
- 1 ít ớt thái lát
- 1 thìa xì dầu
- Vài nhánh tỏi băm
- 1 thìa cafe đường
- 1 xíu muối, bột nêm, tiêu
- Dầu ăn
Cách làm
Nấm cắt bỏ phần chân, đem rửa sạch dưới vòi nước (không nên ngâm nấm trong nước nhé!), để thật ráo nước rồi đem tách nấm ra. Hành lá thái nhỏ.
Xì dầu, đường, muối, bột nêm, tiêu cho vào bát, khuấy đều cho tan đường và muối.
Cho nấm kim châm, ớt băm, tỏi băm nhỏ vào đĩa (đĩa hơi sâu lòng 1 chút), đặt đĩa vào xửng hấp cho nấm chín.
Lấy đĩa nấm đã hấp chín ra, rưới nước sốt xì dầu lên trên, rắc hành lá thái nhỏ rồi hấp thêm 1-2 phút thì lấy đĩa nấm kim châm hấp xì dầu ra, ăn cùng cơm nóng rất ngon.
3. Bắp cải cuộn tôm thịt hấp
Nguyên liệu:
- 1 bát cơm trắng
- 5 con tôm sú
- 1 quả trứng gà
- 100g thịt gà
- ½ củ cà rốt
- 3 cái nấm
- 1 cây bắp cải nhỏ
- 1 cây tỏi tươi hoặc hành lá
- Gia vị: bột canh, dầu hào, 2 muỗng canh nước, 1 muỗng cà phê bột mì
Cách làm:
Trứng đập ra bát, đánh đều, rán chín rồi thái hạt lựu. Cà rốt gọt vỏ, 2/3 thái hạt lựu, 1/3 thái sợi. Nấm xắt nhỏ.
Tôm làm sạch, luộc sơ, bóc vỏ và thái nhỏ.
Thịt gà làm sạch, thái hạt lựu, ướp với một ít bột nêm rồi cho vào chảo xào sơ, trút ra bát để riêng.
Dùng dao mũi nhọn khoét bỏ phần lõi cứng của chiếc bắp cải. Sau đó trụng sơ cả cái bắp cải trong nồi nước to rồi mới tách lá. Lá tỏi cũng trụng sơ, rồi nhanh chóng nhúng vào nước lạnh để lá giữ được màu xanh đẹp mắt.
Đun nóng dầu trong chảo, cho cà rốt và nấm vào đảo đều trong khoảng một phút.
Trút cơm vào tiếp tục đảo nhanh tay. Nêm 1 thìa cà phê bột nêm, đảo đều khoảng 30 giây thì thêm trứng vào rồi tắt bếp.
Chờ phần nhân nguội thì tiến hành gói. Trải lá bắp cải ra mặt phẳng (thớt hoặc đĩa), múc một muỗng canh phần nhân cho vào giữa lá. Khéo léo túm dần các mép lá bọc phần nhân lại. Trang trí một vài nhánh cà rốt thái sợi phía trên cho đẹp mắt. Dùng lá tỏi làm dây để buộc chặt phần lá gói. Lần lượt cho đến hết phần nhân.
Xếp từng gói bắp cải vào xửng hấp. Hấp ở nhiệt độ cao trong 10 phút là được.
Hòa tan dầu hào và bột mì với 1 muỗng canh nước lọc, đun sôi nhẹ để tạo thành một hỗn hợp xốt hơi sánh. Sau đó múc từng thìa rưới lên từng gói bắp cải là món bắp cải gói tôm thịt đã sẵn sàng để bạn thưởng thức rồi!
4. Chả trứng hấp
Nguyên liệu
- Thịt lợn xay: 200gr
- Miến ngâm nở: 20gr
- Mộc nhĩ: 2 cái
- Nấm hương khô: 3 cái
- Hành tây: 1/2 củ nhỏ
- Hành lá: 3 cây
- Trứng gà hoặc vịt: 5 quả
- Gia vị: bột canh, hạt tiêu, bột nêm…
Cách làm
Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nở, rửa sạch, thái nhỏ, băm vụn.
Hành tây băm nhỏ. Hành lá thái nhỏ.
Miếng ngâm nở, cắt ngắn.
Lần lượt xếp vào bát to: thịt lợn xay, mộc nhĩ, nấm hương, hành tây, miến, hành lá, đập 3 quả trứng vào (2 quả còn lại lát quét mặt chả). Thêm vào 1 thìa cà phê bột canh, 1/2 thìa cà phê bột nêm, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu. Trộn thật đều các nguyên liệu với nhau.
Quết một lớp dầu ăn vào khuôn, với lượng trên mình dùng khuôn 18cm, nếu làm nhiều hơn mọi người dùng khuôn to hơn nhé. Đổ hỗn hợp trên vào khuôn. Đặt khuôn vào khay nướng, đem đi nướng cách thuỷ (khuôn nướng được đặt trong lòng một cái khay chứa nước ấm hoặc nước nóng, mực nước đổ vào khay khoảng 1cm). Nướng cách này thì chả sẽ ngon và không bị khô. Đem chả đi nướng ở nhiệt độ 180 độ trong 30 phút.
Sau khi nướng được 30 phút, chả chín, nhấc khuôn chả ra. Đánh tan hai lòng đỏ trứng gà, phết đều lên mặt chả. Đem đi nướng tiếp ở nhiệt độ 180 độ trong 10 phút. Thử xem chả chín chưa bằng cách dùng tăm xiên qua chả, thấy tăm khô ráo là chả đã chín bên trong, còn nếu chưa chín thì nướng thêm.
Nếu không có lò nướng thì đem đi hấp cách thuỷ. Đậy vung hấp chả khoảng 30 phút. Sau đó phết lòng đỏ trứng lên mặt chả, đem đi hấp 10 phút nhưng mở vung không đậy để mặt chả được đẹp.
5. Tôm hấp sả chanh
Nguyên liệu:
- 500gr tôm sống
- 2 cây sả
- 1 củ gừng
- Lá Chanh (khoảng 5-6 lá)
- 1 quả chanh
- 1 chén rượu trắng
- Gia vị: bột ngọt, bột canh, tiêu
Cách làm:
Tôm rửa sạch, lấy phần chất thải từ đầu tôm ra ngoài, sau đó lấy chỉ tôm cho sạch
Cho phần tôm vừa làm sạch vào tô rồi rồi cho 1 thìa bột ngọt, ½ thìa bột canh, ½ thìa hạt tiêu sau đó trộn đều.
Tiếp theo, cắt cây sả ra làm đôi, thái phần đầu của hai cây sả thành từng miếng có độ dày vừa phải rồi cho vào tô ướp tôm. Phần nửa sau đập dập rồi tách làm đôi để khi nấu cho vào sau. Gừng và lá chanh thái lát nhỏ rồi tiếp tục cho vào tô ướp tôm. Có thể cho thêm ớt nếu thích vị cay.
Đặt phần sả đã được đập dập vào đáy nồi rồi cho tôm vào nồi hấp. Cho 1 chén rượu trắng vào nồi và đảo đều để tôm không bị tanh rồi sau đó cho lên bếp, đậy nắp và để lửa vừa phải. Tôm hấp trong 15 phút. Vì tôm ra nước nên không cần thêm nước vào.
Lưu ý: không hấp tôm quá lâu vì như vậy sẽ làm tôm bị bở, mất vị ngon.
6. Đậu hũ bao bố
Nguyên liệu
- 6 bìa đậu phụ (chọn bìa đậu to và có hình chữ nhật)
- 3 cái mộc nhĩ
- 3 cái nấm hương
- 1/2 bắp ngô ngọt
- 1/2 củ cà rốt
- 1 cái nấm đùi gà
- Bột ngô hoặc bột năng
- Gia vị: dầu hào chay, xì dầu chay, bột nêm chay
- Tỏi, hành củ
- 5 nhánh hành hoa hoặc bông hẹ
Cách làm
Đậu phụ rán vàng hai mặt, lấy kéo cắt nhẹ một đầu, dùng thìa nhỏ moi hết ruột mềm bên trong tán nhuyễn.
Nấm hương, mộc nhĩ ngâm cho nở, cắt chân rửa sạch, băm nhỏ.
Ngô ngọt bóc vỏ, dùng dao gọt lấy phần thịt (vỏ ngô để lại).
Nấm đùi gà rửa sạch thái nhỏ.
Cà rốt bào sợi thái nhỏ.
Phi thơm củ hành, cho nấm hương, mộc nhĩ, nấm đùi gà, ngô ngọt vào xào, tiếp đến là cà rốt, thêm hai thìa cà phê bột nêm.
Trộn: ruột đậu phụ với phần nhân vừa xào xong.
Nhồi tất cả phần nhân vào bao bố đậu phụ đã moi hết ruột, chừa lại một đoạn để buộc. Túm nhẹ bao bố, dùng vỏ ngô tước nhỏ buộc lại.
Xếp tất cả bao bố đã nhồi và buộc đầu vào xửng hấp trong 15p, sau đó xếp ra đĩa.
Hành hoa hoặc bông hẹ đem trần qua.
Tháo phần dây buộc bằng vỏ bắp ngô ở bao bố thay bằng lá hành hoặc bông hẹ để bao bố được đẹp mắt hơn.
Phần sốt: Phi thơm tỏi băm, hoà hai thìa canh dầu hào chay với một bát con nước và hai thìa canh xì dầu đổ vào nồi tỏi phi thơm, thêm 2 thìa cà phê bột nêm được làm từ nấm hương, thêm 1/2 thìa canh bột năng hoà tan với chút nước, khuấy đều các nguyên liệu,đun nhỏ lửa, phần sốt hơi sền sệt là tắt bếp.
Xếp bao bố đậu phụ ra đĩa sâu lòng, rưới phần nước sốt lên trên, trang trí cho đẹp mắt và thưởng thức.
7. Mực nhồi thịt hấp
Nguyên liệu
- 2 con mực ống lớn
- 30g gừng tươi (thái sợi)
- 1 quả ớt sừng (thái sợi)
- 1 nhánh hành lá (thái nhỏ)
- 15ml nước xì dầu
- 15ml rượu gạo
- 150g thịt băm
- Gia vị ướp gồm: dầu mè, muối, tiêu, dầu hào, 1 lòng đỏ trứng muối, 2 củ năng tươi (cắt nhỏ)
Cách làm:
Đầu tiên, bạn ướp thịt băm với dầu mè, muối, tiêu và dầu hào.
Cho lòng đỏ trứng muối vào, dùng dĩa (nĩa) dằm nhuyễn rồi trộn đều.
Giờ thì bạn cho thêm củ năng băm nhỏ vào hỗn hợp và tiếp tục trộn hỗn hợp thịt cho thật quyện.
Ta làm sạch 2 con mực ống tươi: rút râu, loại bỏ túi mực và xương sống rồi rửa sạch bên trong. Để mực ra đĩa cho ráo nước hoặc dùng khăn giấy thấm khô.
Bắt đầu nhồi thịt vào trong bụng mực cho căng đầy rồi nhét râu mực lại như ban đầu. Dùng tăm tre xiên cố định phần mực vừa nhồi lại.
Giờ thì bạn đặt 2 con mực lên đĩa, rưới nước tương và rượu gạo lên trên.
Rắc thêm gừng và ớt tươi thái sợi. Đặt đĩa mực nhồi thịt vào hấp cách thủy trong vòng 10 ¬15′.
Khi mực chín, bạn thái mực thành từng khoanh, xếp ra đĩa và rưới nước hấp mực lên trên là hoàn thành.
8. Trứng hấp vân
Nguyên liệu
- Giò sống: 100gr
- Trứng gà: 4 quả
- Cà rốt: 1/4 củ
- Nấm hương: 4 cái
- Mộc nhĩ: 3 cái
- Hành lá: 2 cây
- Gia vị: bột nêm hoặc bột canh, hạt tiêu.
- Giấy bạc để gói giò
- Nồi hấp
- Chảo chống dính (món này bắt buộc phải dùng chảo chống dính mới tráng được trứng mỏng để cuộn giò, chỉ cần tráng được lòng trắng và lòng đỏ riêng, mỏng đẹp là bước đầu đã thành công rồi)
Cách làm
Cà rốt bào sợi băm thật nhỏ (ngoài cà rốt mọi người có thể thay thế bằng một loại củ quả khác tương tự theo sở thích, nhưng vẫn phải bào sợi thái thật nhỏ).
Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nở, rửa sạch, bỏ chân, thái sợi, băm nhỏ. Hành lá thái nhỏ. Lưu ý càng thái nhỏ, băm nhỏ thì giò càng dễ cuộn và ngon.
Trộn tất cả các nguyên liệu: giò sống, cà rốt, nấm hương, mộc nhĩ, hành lá, 1/2 thìa cà phê bột nêm, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu. (Giò sống khi xay họ cho sẵn gia vị nên không được nêm nhiều dễ bị mặn). Trộn thật đều các nguyên liệu với nhau.
Trứng tách riêng lòng trắng, lòng đỏ ra mỗi bát. Có thể cho vào xíu nước mắm hoặc bột nêm, hoặc bột canh. Dùng đũa đánh tan lòng trắng và lòng đỏ.
Dùng chảo chống dính, đổ ít dầu ăn, nhớ là ít thôi.
Dầu nóng cho lòng trắng trứng vào chảo, láng thật mỏng, để lửa bé, trứng chín lật mặt trứng thêm vài giây rồi lật ra đĩa hoặc khay rộng. Tiếp theo tráng lòng đỏ cũng như vậy.
Trứng nguội, đặt lòng đỏ lên mặt phẳng, phết phần hỗn hợp giò sống đã trộn cùng các nguyên liệu ở trên, dàn đều và thật mỏng. Nhớ dàn mỏng và đều thì sau đó cuốn sẽ đẹp và dễ.
Sau khi phết xong giò lên mặt lòng đỏ, đặt trồng phần lòng trắng trứng lên trên, tiếp tục phết thêm một lớp giò sống mỏng và đều.
Cuối cùng cuộn tròn lại, dùng giấy bạc bọc kín, xoắn chặt cố định hai đầu.
Cho giò đã cuộn vào vỉ hấp và hấp chín trong 15-20 phút.
Để nguội, gỡ giấy bạc, thái khoanh tròn.
9. Bí đỏ nhồi thịt hấp
Nguyên liệu
- 1 trái bí đỏ chín già quả khi ăn sẽ bở và béo ngậy (có bí nếp là ngon nhất) 600gr-700gr
- Mộc nhĩ: 2 cái
- Nấm hương: 4 cái
- Thịt lợn xay: 100gr
- Giò sống: 100gr
- Cà rốt: 1/3 củ
- Hành lá: 3 nhánh
- Hành củ khô: 2 củ
- Gia vị: bột nêm, hạt tiêu, nước mắm
Cách làm
Mộc nhĩ, nấm hương ngâm nở, rửa sạch, thái nhỏ, băm nhỏ.
Cà rốt thái sợi băm nhỏ. Hành lá rửa sạch, thái nhỏ. Hành củ băm nhỏ.
Bí rửa thật sạch, vì ăn cả vỏ, cắt phần phía trên đầu quả bí, dùng thìa khoét sạch ruột bên trong trái bí.
Trộn các nguyên liệu: thịt lợn xay, giò sống, mộc nhĩ, nấm hương, hành lá, hành củ, cà rốt, 1 thìa cà phê bột nêm, 1/3 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa canh nước mắm.
Trộn thật đều các nguyên liệu.
Nhồi nguyên liệu trên vào trái bí, đậy nắp trái bí lại. Cho khoảng 1l nước vào nồi, đặt trái bí vào hấp.
Quả bí to thì hấp khoảng 1 tiếng hoặc hơn 1 tiếng là bí chín mềm. Thử bí bằng cách dùng đũa xiên vào trái bí, thấy mềm là được. Có nồi áp suất hoặc nồi hấp bí sẽ chín nhanh và tiết kiệm đc thời gian hơn.
Khi món bí đỏ nhồi thịt chín bạn hãy cho ra và xắt chúng thành những miếng nhỏ vừa ăn. Bí đỏ ăn bùi và ngọt, vị ngọt của bí và vị ngọt từ thịt thấm vào rất ngon miệng.
10. Măng nhồi thịt hấp
Nguyên liệu:
- 300g măng tươi đã qua sơ chế
- 150g thịt ba chỉ
- Vài nhánh hành ta (lấy phần củ trắng) và một mẩu gừng nhỏ
- 10ml rượu nhạt, 10ml nước tương, 200ml nước dùng ¬ 10g tinh bột ngô, 3g hạt tiêu trắng và một ít muối
Cách làm:
Bổ măng làm đôi. Cho măng vào đĩa sâu lòng đổ xâm xấp nước dùng, đặt đĩa vào nồi hấp nửa tiếng trên bếp nhỏ lửa. Làm thế măng chín mềm, không nhũn mà ngấm vị nước dùng.
Thịt lợn rửa sạch, bỏ bì, băm nhỏ. Bạn cũng có thể dùng thịt xay cho tiện. Cho thịt, nước tương, rượu nhạt, bột ngô, hạt tiêu trắng và một chút xíu muối vào chung một bát. Đập dập gừng, hành rồi hòa vào chút xíu nước, chắt nước đổ vào bát thịt và trộn đều.
Khi măng đã nguội, chắt nước dùng ra bát, nhồi thịt và các đốt trong của măng, xếp măng trở lại đĩa sâu lòng và đổ bát nước dùng vừa chắt vào lòng đĩa. Đặt đĩa măng vào nồi hấp, đun lửa to cho nước mau sôi rồi hạ lửa vừa hấp thêm chừng 10-15 phút cho thịt chín.
11. Cá hấp sả ớt
Nguyên liệu:
- Cá quả: 1 con khoảng 500 – 700 gam (Nếu không có bạn có thể thay bằng cá chép, cá trắm to)
- Sả, ớt: 5, 6 củ
- Gia vị: Nước mắm, muối, hạt tiêu, đường, chanh, thì là, gừng…
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Cá mua về đánh vảy sạch, để nguyên con hoặc chặt khúc lớn. Rửa cá với chanh, muối cho sạch và bớt mùi tanh, sau đó rửa sạch bằng nước lã. Rồi để cá ra rổ cho ráo nước. Nếu cẩn thận hơn bạn có thể lấy khăn khô lau cá,gói cá lại để 15 phút trong tủ lạnh.
Dùng dao khứa thành những đường chéo lên thân cá, khứa đến khi đụng vào xương thì thôi, mỗi miếng khứa cách nhau từ 3 – phân. Khứa so le 2 bên thân cá để khi hấp cá bung ra nhìn sẽ rất đẹp mắt.
Bước 2: Hấp cá
Lấy một ít muối và hạt tiêu trộn đều lên rồi ướp vào bên trong phần mà bạn khứa ra. Củ sả chẻ dọc, đập dập rồi cho sả và cá vào một đĩa lớn đặt vào nồi đang đun sôi nước hấp khoảng 15 – 20 phút là được.
Bước 3: Pha nước chấm cho cá
Tỏi, ớt, gừng, rau thì là băm nhỏ. Pha nước mắm, dấm, đường, nước, điều chỉnh vị vừa ăn rồi mới cho tỏi, ớt, gừng, thì là vào.
So với nước chấm nem, nước chấm cá hấp mặn hơn vì cá hấp, luộc vị nhạt nên cần nước chấm đậm, cũng có thể dùng vị chua của chanh để nước chấm thơm tự nhiên.
Loại nước chấm này có thể phù hợp để chấm các loại gỏi cá cuốn nướng.
Bày món cá lóc hấp sả ra đĩa kèm với hoa ớt hoặc tỉa hoa cà chua trông sẽ đẹp mắt hơn. Bạn có thể ăn món này với rau sống cuộn bánh tráng hoặc chấm nước mắm ăn với cơm.
12. Thịt viên hấp
Nguyên liệu:
- 500g thịt chân giò: lấy phần nhiều nạc chỗ bắp trên giò lợn
- 6 củ mã thầy (bạn có thể thay thế bằng vài khoanh củ sen loại thơm ngon)
- 1 mẩu gừng nhỏ, vài nhánh hành hoa
- 1 muỗng canh (15g) bột khoai lang (nếu không tiện mua bạn có thể tạm thay bằng tinh bột ngô, bột khoai tây, bột gạo) ngâm trong 70ml nước chừng 1 tiếng cho nở mềm
- 1/2 thìa cà phê muối, 1 muỗng canh (15ml) nước tương
- Đường, rượu trắng và nước sốt thịt nướng: mỗi thứ 1 thìa cà phê
Cách làm:
Món thịt viên hấp này có nét đặc biệt về hương vị ở chính nguyên liệu trộn thêm là củ mã thầy. Bạn gọt vỏ củ mã thầy, bào vụn hoặc thái mỏng rồi băm nhỏ.
Gừng và đầu hành cũng được băm nhỏ.
Bột khoai nên ngâm mềm với nước trước 2 tiếng sử dụng để thịt viên hấp. đỡ bị cứng bã.
Thịt chân giò được thái mỏng riêng hai phần nạc và mỡ. Bạn băm thịt nạc trước, thịt mỡ băm sau. Bạn có thể dùng máy xay thịt nhưng tất nhiên thịt băm có độ dẻo ngon riêng. Khi thịt nạc băm nhỏ rồi (không cần quá nhuyễn như thịt xay), bạn mới trộn phần thịt mỡ đã băm vào rồi vừa băm vừa trộn đều chúng với nhau một lần nữa. Sau cùng cho hành, gừng, củ mã thầy vào trộn đều với thịt băm.
Cho thịt băm vào bát rồi trộn đều thịt với các gia vị còn lại. Bột ướt được cho vào trộn sau cùng và để yên vài phút cho tất cả ngấm đều nhau.
Viên thịt thành những viên tròn như quả bóng bàn nhỏ. Nếu chưa thạo viên thịt thì bạn nên nặn bằng một thìa to sâu lòng. Để các viên thịt của bạn vào một đĩa sâu lòng chuẩn bị hấp thịt.
Cho đĩa thịt viên vào nồi hoặc chảo to hấp cách thủy cho chín thịt, nếu nồi nhỏ có thể bạn phải hấp làm hai lần.
Sau khi thịt viên hấp chín, bạn sẽ thấy có nhiều nước tiết ra từ thịt, bạn đổ riêng phần nước đó ra nồi đun cho cô lại chút, nếu thích có thể cho thêm chút xíu bột để nước sánh như sốt, rồi chan trở lại lên đĩa thịt viên hấp đã bày trang trí cùng rau củ cho tươi mắt.
13. Nghêu hấp thái
Nguyên liệu:
- 1 kg nghêu
- 2 trái ớt hiểm
- 1 vắt me nhỏ cỡ 3 muỗng canh (50g) (loại dùng để nấu canh chua)
- Đường, bột ngọt,bột nêm
- 2 muỗng canh tỏi và sả băm nhuyễn
- 1 muỗng canh dầu ăn
- Tương ớt
- Rau răm (tùy thích)
Cách làm:
Ngâm nghêu với nước vo gạo và một ít muối trong khoảng 30 phút để nghêu sạch cát.
Mẹo: Có thể đập dập một trái ớt hoặc thả vào thau ngâm nghêu một con dao inox để nghêu mau nhả cát hơn. Chỉ nên ngâm nghêu trong từ 20-30p. Nghêu mua về nếu chưa chế biến liền bạn nên rẩy lên một ít nước và phủ lên một cái khăn ẩm, để ở nơi mát mẻ, không nên ngâm nghêu trong nước thời gian dài vì nghêu sẽ bị chết.
Pha nước sốt thái: Ngào me với 1,5 chén nước ấm cho ra hết chất me, lọc lấy nước và bỏ hột. Cho vào nước me 3 muỗng canh đường, 1,5 muỗng canh tương ớt, 2 muỗng cà phê bột nêm và ½ muỗng cà phê bột ngọt. Khuấy đều cho hỗn hợp tan hết.
Cho 1 muỗng canh dầu ăn vào nồi, đợi dầu nóng cho tỏi và sả băm vào phi thơm. Kế tiếp bạn cho nước me đã chuẩn bị sẵn vào và khuấy đều. Đợi cho nước me sôi lăn tăn thì trút nghêu vào nồi và đóng nắp lại. Hạ lửa trung bình nhỏ.
Sau 3-4 phút bạn mở nắp nồi và đảo đều nghêu, thêm ít bột nêm, đường và ớt hiểm băm nhuyễn. Nêm nếm lại cho vừa miệng. Đậy nắp lại thêm 1 phút và bắt nồi xuống.
Trang trí với một ít rau răm hay rau thơm. Món nghêu hấp thái chua cay ngon tuyệt đã sẵn sàng rồi
14. Sườn hấp đậu tương đen
Nguyên liệu:
- 400g sườn heo
- 5 lát gừng, 5 tép tỏi, 1 trái ớt, 1 củ hành tím
- 2 muỗng đường trắng, 1 muỗng dầu ăn, 2 muỗng muối
- 1 muỗng bột bắp
- 15ml rượu nấu ăn
Cách làm:
Sau khi ngâm sườn heo trong nước 30 phút rồi rửa sạch, để ráo đem ướp với: đường, dầu ăn, gừng và trộn đều. Sau đó bảo quản trong tủ lạnh từ 2 đến 3 giờ.
Tiếp đến, lấy sườn ra cho rượu, bột bắp, muối vào trộn đều đến khi sườn được phủ 1 lớp mịn rồi lại đặt vào tủ lạnh thêm 45 phút để thấm gia vị.
Sau đó cho thêm tỏi băm và đậu tương đen vào trộn đều mang đi hấp cách thủy từ 20 – 25 phút. Khi món ăn chín bạn có thể dùng với cơm nóng rất tuyệt vời đấy!
15. Mực trứng hấp hành gừng
Nguyên liệu:
- 300g mực trứng
- 50g hành lá
- 70g gừng
- 20g cần tàu
- 1/2: củ cà rốt, hành tây, chanh; 2 trái ớt
- 3 muỗng nước mắm; 2 muỗng đường trắng; 1/2 muỗng: muối, tiêu
Cách làm:
Mực trứng làm sạch để ráo. Một phần gừng cắt sợi nhỏ, cà rốt thái sợi to. Hành cắt khúc dài và chẻ đôi phần gốc. Hành tây thái lát nhỏ.
Chọn một chiếc đĩa có phần đáy sâu rồi cho hết nguyên liệu phía dưới và đặt mực trứng lên trên, ướp tất cả với muối, tiêu. Sau đó, thêm hành lá cùng cần tàu vào, hấp chín trong 15 phút.
Tiếp đến là làm nước chấm ăn kèm. Giã nhuyễn ớt và phần gừng còn lại. Cho nước mắm, đường, gừng, ớt và nặn chanh vào chén rồi khuấy đều.
Khi mực chín bạn lấy ra và trang trí thêm vài miếng chanh ớt. Rưới nước mắm gừng lên món ăn rồi thưởng thức.