Top 15 thức uống giải nhiệt dễ làm ngọt mát lịm tim

Top 15 thức uống giải nhiệt dễ làm ngọt mát lịm tim

Vào những ngày nắng nóng, còn gì tuyệt vời hơn là được thưởng thức những ly đồ uống không chỉ ngon, mát mà còn có tác dụng thanh lọc, giải nhiệt cho cơ thể.

Top 15 thức uống giải nhiệt dễ làm ngọt mát lịm tim

Sau đây là top 15 thức uống mát dễ làm tại nhà, thực hiện ngay thôi!

1. Nước me đá

Nguyên liệu

  • Me: 500 gram
  • Đường: 600 gram (Sử dụng đường trắng hoặc đường vàng cục đập nhỏ)
  • Thơm (dứa): 1 trái
  • Gừng: 1 thìa cà phê
  • Đậu phộng: 200 gram

Các bước chế biến

Bước 1: Tách lọc thịt me và làm hạt me dẻo

Bạn lấy me cho vào tô, thêm vào 600 ml nước nóng, nhào trộn thật nhiều lần sau đó tách lọc lấy hạt me và thịt me.

Thịt me tách riêng bạn để tủ lạnh khoảng 2 ngày (2 ngày là khoảng thời gian để chờ ngâm hạt me).

Hạt me sau khi tách riêng và rửa sạch bạn cho vào chảo rang đến khi cắn thử thấy vỏ hạt me giòn, tróc ra.

Tiếp theo bạn ngâm hạt me vào nước khoảng 2 ngày, sau hai ngày hạt me sẽ tróc vỏ rất dễ dàng và nở mềm.

Bạn chà nhẹ để loại bỏ vỏ hạt me lấy phần thịt bên trong sau đó rửa sạch.

Phần thịt hạt me bạn cho vào nồi luộc cho đến khi thấy hạt me chín mềm, bạn đổ ra rổ để ráo.

Nếu bạn muốn hạt me tróc vỏ nhanh hơn bạn đem hạt me luộc nhiều lần để vỏ hạt tróc hẳn ra nhé.

Bước 2: Sơ chế thơm, gừng, đậu phộng

Gừng bạn gọt vỏ, rửa sạch dùng đồ bào để bào thật nhuyễn, lấy khoảng 1 thìa cà phê gừng bào để sử dụng.

Thơm gọt vỏ, bỏ mắt, bỏ cùi. Cắt nhỏ phần thịt thơm.

Đậu phộng rang chín, bóc vỏ, để nguội.

Bước 3: Sên me ngào đường

Bạn cho thơm và đường vào chảo sên với lửa nhỏ khoảng 30 phút đến khi thấy thơm chuyển màu vàng trong.

Tiếp theo bạn lấy thịt me trong tủ lạnh ra cho vào chảo sên thêm 15 phút.

Sau 15 phút bạn cho hạt me vào sên 5 phút thì tắt bếp, cho gừng bào vào, trộn đều, để nguội.

Bạn cho đá vào ly, múc me ngào đường lên trên, rắc thêm đậu phộng, trộn đều là hoàn thành món me ngào đường. Bây giờ chỉ việc thưởng thức nhé.

2. Trà tắc

Nguyên liệu

  • 2 muỗng trà xanh (hoặc trà túi lọc)
  • 6 quả tắc xanh (quất)
  • 5 muỗng canh đường

Bước 1: Cách pha nước trà

Bạn cho 2 muỗng trà xanh vào ấm pha trà rồi đổ nước sôi chần qua để nước trà trong hơn.

Tiếp theo bạn đổ nước sôi ngập lá trà đầy ấm để trong khoảng 3 phút rồi mở nắp để nguội để trà đỡ đắng và không bị chát. Sau đó chiết ra cốc lớn.

Lưu ý: Bạn có thể thay thế trà xanh bằng các loại trà ướp hương hoa như trà hoa nhài hay hoa sen để tăng thêm hương vị. Nếu sử dụng trà túi lọc bạn cũng thực hiện ủ và pha trà theo công thức trên.

Bước 2: Cách làm nước cốt tắc không bị đắng

Tắc mua về rửa sạch cắt đôi vắt lấy khoảng 20ml nước cốt rồi lọc bỏ hạt. Mẹo nhỏ bạn nên vắt nhẹ tay để tinh dầu tắc không tiết ra làm nước cốt bị đắng.

Tắc sau khi vắt giữ lại 2-3 vỏ để trang trí cho cốc trà thêm sinh động.

Bước 3: Cách pha trà tắc tại nhà

Cho 5 muỗng canh đường vào cốc chứa nước trà xanh và nước cốt tắc, khuấy đều 1-2 phút đến khi đường tan hết và các nguyên liệu hòa trộn đều với nhau.

Cho thêm vài xác trái tắc vào ngâm tăng thêm hương thơm cũng như trang trí cho sinh động.

Trà tắc thành phẩm có màu đẹp mắt có vị thơm ngon đặc trưng của tắc tươi hòa cùng nước trà khiến bạn mê mẩn uống hoài không chán. Khi uống có vị chua ngọt không bị đắng rất thích hợp để giải nhiệt mùa hè. Trà tắc uống ngon nhất khi vừa pha xong kết hợp thêm chút đá lạnh để thưởng thức bạn nhé.

3. Táo Xanh – Chanh – Dưa Leo – Húng Lủi

Nguyên liệu:

Nửa quả táo xanh, nửa quả dưa leo, vài lát chanh, một nhúm húng lủi (hoặc bạc hà)

Cách làm:

Táo xanh cắt lát hoặc xắt hạt lựu. Dưa leo xắt mỏng. Rau húng cắt sơ hoặc xé ra. Chanh xắt lát.

Nếu bạn mới uống chưa quen với vị đắng của vỏ chanh thì có thể vắt lấy nước cốt chanh và bỏ vỏ nhé. Bạn nên bắt đầu với chỉ 2-3 lát chanh mỏng và từ từ tăng số lượng lên mỗi ngày để khỏi bị chua quá.

Cho tất cả vào bình sạch, châm nước lọc vào đầy bình, đóng nắp và cho vào ngăn mát tủ lạnh. Ngâm khoảng 1 – 3 tiếng là có thể dùng được.

Bình nước detox thanh – sạch – xanh này sẽ giúp bạn kháng viêm, giảm stress hiệu quả.

4. Xoài – Gừng

Xoài có chứa Mangiferin là chất chống oxy hóa rất mạnh, giúp ngừa ung thư và các bệnh tim mạch.

Gừng có chứa Gingerol giúp kháng viêm và chống oxy hóa hiệu quả, hỗ trợ hiệu quả các bệnh sưng viêm, buồn nôn, khó tiêu, đau bụng kinh…

Nguyên liệu:

Nửa trái xoài, một nhánh gừng nhỏ, nước lọc hoặc nước sôi để nguội

Cách làm:

Xoài cắt hạt lựu. Gừng bỏ vỏ xắt sợi. Cho xoài và gừng vào bình, châm nước và đóng nắp bỏ tủ lạnh. 1-3 tiếng sau thưởng thức. Sự kết hợp xoài – gừng sẽ cho bạn hương vị độc đáo khó quên

5. Dưa Hấu – Dâu Tây – Húng Lủi

Dâu tây có nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng và tạo collagen cho da.
Dưa hấu có nhiều Lycopene đặc biệt tốt cho tim mạch. Theo nghiên cứu của Đại học Havard, Lycopene giúp ngăn ngừa ung thư.

Nguyên liệu:

Vài miếng dưa hấu, vài quả dâu tây, một nhúm húng lủi

Cách làm:

Dưa hấu xắt hạt lựu, bỏ hạt. Dâu tây bỏ cuống, xắt lát mỏng. Húng lủi xắt nhỏ hoặc xé lá

Cho tất cả vào bình cùng với nước lọc, đậy kín nắp, bỏ vào ngăn mát tủ lạnh 1-3 tiếng rồi thưởng thức.

6. Táo – Quế

Táo đỏ chứa rất nhiều vitamin có lợi toàn diện cho sức khỏe. Lượng chất xơ dồi dào trong táo giúp bạn giảm cảm giác thèm ăn.

Quế giúp giảm tích tụ chất béo, điều hòa đường huyết.

Nguyên liệu:

  • Nửa quả táo đỏ (hoặc 1 quả nếu thích)
  • Một thanh quế. Bạn lưu ý chỉ dùng quế nguyên vỏ, không dùng bột quế. Nên mua quế ở những tiệm thuốc hoặc nơi bán uy tín.

Cách làm:

Cắt táo thành miếng mỏng, nhớ tách bỏ hạt táo bạn nhé. Bẻ quế ra thành những miếng nhỏ

Cho táo và quế vào bình, châm nước rồi đậy nắp bỏ tủ lạnh từ 1-3 tiếng.

Sự kết hợp hương vị của táo và quế sẽ khiến bạn xua tan cảm giác căng thẳng vì công việc đấy.

7. Cam – Dứa

Vỏ cam có nhiều D-Limonene giúp ngừa ung thư, hỗ trợ giảm cân. Ruột cam nhiều vitamin C và Potassium rất tốt cho tim mạch.

Lõi thơm/ dứa có rất nhiều Bromelain, đặc biệt tốt cho tiêu hóa và hỗ trợ các bệnh viêm nhiễm. Mangan trong dứa giúp ngăn ngừa loãng xương, vitamin C giúp tăng đề kháng và chống lão hóa cho cơ thể.

Nguyên liệu:

Nửa quả cam (để nguyên vỏ), một miếng thơm / dứa

Cách làm:

Cam cắt lát hoặc cắt hạt lựu. Dứa bỏ vỏ, bỏ mắt, cắt miếng mỏng hoặc hạt lựu

Cho cam và dứa vào bình, đổ đầy nước, vặn kín nắp và bỏ vào tủ lạnh 1-3 tiếng là dùng được.

“Siêu detox” vàng tươi này sẽ tiếp thêm năng lượng cho bạn trong những ngày dài mệt mỏi.

8. Chanh – Việt Quất

Việt quất là “siêu thực phẩm” chứa Anthocyanins, đã được chứng minh tốt cho tim mạch, trí não và đường huyết. Nếu không có việt quất, bạn có thể thay bằng quả mâm xôi.

Bạn cũng có thể thay chanh bằng cam để làm nước detox này nhé.

Nguyên liệu:

Vài lát chanh, 5-10 trái việt quất

Cách làm:

Chanh cắt lát mỏng. Việt quất cắt đôi.

Cho chanh và việt quất vào bình, đổ đầy nước và đóng nắp. Bỏ ngăn mát tủ lạnh 1-3 tiếng.

Những bạn nào mới uống thì chỉ nên dùng 2-3 lát chanh cho khỏi bị chua nha.

9. Cách làm trà tắc mật ong

Nguyên liệu

  • 2 muỗng trà xanh (hoặc trà túi lọc)
  • 6 quả tắc xanh (quất)
  • 3 muỗng mật ong

Cách làm: Bạn thực hiện pha nước trà và làm nước cốt tắc theo công thức ở trên thì cho mật ong vào ca nước trà rồi dùng thìa khuấy đều tất cả các nguyên liệu với nhau. Có thể tăng thêm hoặc giảm bớt mật ong tùy theo sở thích uống ngọt của bạn.

Trà tắc mật ong có vị chua chua của tắc hòa quyện cùng vị ngọt thơm của mật ong mang lại thức uống thơm ngon bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe. Với những bạn mong muốn giảm cân thì đây là đồ uống lý tưởng giúp bạn thanh lọc và đào thải mỡ thừa cơ thể một cách hiệu quả.

10. Cách làm trà tắc xí muội

Nguyên liệu

  • 2 muỗng trà xanh (hoặc trà túi lọc)
  • 6 quả tắc xanh (quất)
  • 6 quả ô mai mơ (xí muội)
  • Đường phèn

Cách làm:

Bước 1: Quất rửa với chút muối rồi cắt đôi

Bước 2: Cho quất cắt đôi, mơ khô, đường phèn vào ấm trà sau đó đổ nước sôi đậy nắp để khoảng 10 phút là uống được. Vào ngày hè oi nóng bạn có thể kết hợp thêm đá viên để giải nhiệt.

Thành phẩm: Trà tắc xí muội có vị chua chua ngọt ngọt kết hợp thêm vị thơm ngon của ô mai trở thành đồ uống được nhiều chị em ưa thích. Uống trà quất xí muội hàng ngày không những tốt cho sức khỏe mà còn giúp chị em giữ dáng đẹp da.

11. Nước chanh sả mật ong

Nguyên liệu

  • 10 quả chanh tươi
  • 5 cây sả
  • Mật ong
  • 600ml nước lọc

Cách làm

Rửa sạch chanh rồi cho vào ngăn đá cho tới khi đông cứng lại mới bỏ ra gọt lấy phần vỏ.

Lưu ý: Sở dĩ phải làm bước này bởi khi chanh đông đá thì lúc gọt vỏ, chất dầu dưới vỏ sẽ tụ lại và không bị bốc hơi mất.

Rửa sạch sả rồi đập dập.

Đổ 600ml nước lọc vào nồi đun sôi lên. Tiếp theo, bỏ sả và chanh vào khuấy đều trong 4 phút thì tắt bếp, cứ thế đậy nắp nồi cho tới khi nước bên trong nguội hẳn.

Đổ nước ra bình thủy tinh, đậy kín nắp rồi đặt vào ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.

Khi sử dụng, chúng ta rót 100ml hỗn hợp chanh sả ra cốc rồi thêm 1 đến 2 thìa mật ong khuấy đều. 1 ngày nên uống 3 cốc vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, giữa ngày và trước khi đi ngủ buổi tối.

Nước chanh sả thơm mùi sả và hơi đắng của vỏ chanh. Nếu không kịp bỏ chanh vào tủ đá thì bạn bào vỏ chanh tươi cho vào cũng được. Lượng chanh và sả các bạn tùy ý vì có người không thích mùi sả. Lượng vỏ chanh nhiều cũng làm nước uống đắng dẫn đến khó uống với một số người nên các mẹ điều chỉnh ít đi hoặc nhiều hơn sao cho phù hợp.

12. Nước sâm bí đao

Nguyên liệu:

  • 1,5-2kg bí đao (loại đặc ruột)
  • 15 gram la hán
  • 100 gram táo đỏ
  • 15 gram thục địa
  • 3 khúc mía ngọt
  • 1 bó lá dứa
  • 100 gram đường phèn
  • 3 lít nước

Cách làm:

Bí đao rửa sạch, cắt hết vỏ ngoài, xắt khoanh tròn cắt bỏ phần ruột (ruột bí làm nước sâm bị chua), xắt miếng mỏng hay để miếng to là tuỳ mọi người.

Thục địa xắt mỏng, la hán đập vỡ bóp vỡ ra. Mía chẻ mấy khúc vừa tay.

Xếp tất cả nguyên liệu vào nồi theo thứ tự: Đường phèn, mía, bí đao, la hán, thục địa, táo đỏ. Sau đó cho vào nồi khoảng 3 lít nước, đun sôi hỗn hợp sau đó để lửa riu riu tầm 20-30p tuỳ mọi người.

Sau 30p cho tiếp lá dứa đun tiếp tầm 5-10p nữa.

Tắt bếp để nguội, lọc qua rây để loại bỏ các cặn của các nguyên liệu. Sau đó đóng chai bỏ tủ lạnh. Nếu ai thích vị như trà bí đao lon thì mua thêm thạch sương sáo trắng bỏ vào uống cũng rất hay, nhưng mình thích để nguyên vị như này. Uống thay nước giúp đẹp da, giảm cân cũng như trị nhiệt miệng rất tốt đấy ạ.

13. Nước đậu đen rang

  • Đậu đen 200 gr
  • Lá dứa 5 gr
  • Đường phèn 50 gr
  • Nước 1 lít

Đậu đen chọn loại chắc hạt, mẩy, hạt xanh lòng càng tốt. Rửa sạch đậu đen cho ráo, rang trên lửa nhỏ khoảng 10-15p, đến khi đậu có mùi thơm thì tắt bếp. Tiếp tục cho 1l nước vào nồi cùng 100gr đậu, thêm nửa muỗng muối nhỏ đun sôi.

Bó lá dứa đã rửa sạch cho vào lúc này, đun thêm 5 – 10p rồi tắt bếp. Sau cùng, vớt lá dứa ra ngoài, thêm đường phèn quấy đều cho tan. Đợi nước hơi nguội, mẹ chắt nước để dùng, có thể thưởng thức cả phần hạt đậu.

Nước đậu đen lúc này có vị thơm, ngọt giải nhiệt, thanh lọc cơ thể rất tốt. Uống 1 – 2 cốc/ngày giúp cơ thể hấp thu và dưỡng nhan từ bên trong. Đồng thời, còn tăng sắc tố da trắng mịn, hồng hào, máu lưu thông tốt.

Một gợi ý khác là các chị có thể uống 200ml nước đậu đen pha với mật ong vào buổi sáng để tăng hiệu quả trung hòa tính mát của loại nước uống này.

Áp dụng đậu đen trong việc chuyển hóa năng lượng, ức chế sự hấp thu chất béo để giảm cân cũng rất hiệu quả. Chị em có thể rang đậu đen chín, bỏ sẵn vào lọ đựng, hãm cùng nước sôi 15 – 20p với 20 – 40 gram đậu để dùng đều đặn mỗi ngày.

Khi sử dụng, chị em hạn chế kết hợp đậu đen cùng sữa, rau bina, tetracyclin hay đậu thầu dầu để tránh bị tương tác qua lại giữa các chất trong thực phẩm.

14. Sâm mía lau

Đây là một công thức dân gian với sự đúc kế từ nhiều thành phần nguyên liệu tạo nên loại nước mát giúp thanh nhiệt cực hiệu quả.

Nguyên liệu:

  • 300 mía lau
  • 1 nhánh mã đề
  • 2 lá cây lẻ bạn
  • 50g rau bắp
  • 10g cỏ tranh
  • 1 lá dứa
  • 30g lá thuốc giòi
  • 30g đường phèn
  • 5g ngò rí già (lá mùi già)

Cách nấu:

Các loại cây và lá mát rửa sạch, để ráo nước. Mía lau rửa sạch, đập dập hoặc chẻ mỏng.

Xếp vài lát mía dưới đáy nồi. Tiếp theo cho các loại cây lá mát vào nồi. Cuối cùng cho phần mía còn lại vào trên cùng.

Đổ ngập nước, đun sôi với lửa vừa. Khi nước sôi, hớt bọt, giảm nhỏ lửa và nấu thêm từ 5 đến 7 phút, cho thêm đường phèn, khuấy cho đường tan rồi tắt bếp, để nguội.

Tốt nhất nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và nên dùng trong vòng 24h vì để lâu nước không còn ngon.

15. Nha đam đường phèn

Nguyên liệu:

  • 1 kg nha đam
  • 150 gr đường phèn, 3 thìa cà phê muối
  • 2 quả chanh
  • Ít lá dứa (lá nếp)
  • Đá viên

Sơ chế nha đam:

Chọn những bẹ nha đam to, tươi xanh, dày thịt. Gọt bỏ hết phần vỏ màu xanh, nên cắt bẹ nha đam thành 3 đến 4 khúc ngắn để dễ dàng cho việc gọt vỏ. Cần gọt thật kĩ lớp vỏ xanh này để khi nấu lên nước nha đam không bị đắng và làm hỏng cả nồi nha đam của bạn.

Chuẩn bị một thau nước lạnh, cho vào đó 3 thìa muối và nước cốt của 2 quả chanh. Tiếp theo, cho phần nha đam đã gọt vỏ vào hỗn hợp đó và ngâm trong 30 phút.

Sau đó vớt nha đam ra rổ, để ráo rồi chần qua nước sôi 2 phút và thả nhanh vào nước lạnh đã bỏ đá viên vào trong 15 phút. Cách làm này sẽ làm giảm độ nhớt, đem lại sự giòn và ngon cho nha đam khi thưởng thức. Sau 15 phút, vớt nha đam ra và để ráo.

Cuối cùng, mang từng khúc nha đam ra và cắt thành hạt lựu.

Cách chế biến nước nha đam:

Lá dứa sau khi rửa sạch, để ráo thì dùng 1 lá buộc chặt các lá còn lại để khi nấu không bị lẫn chung với nha đam. Lưu ý sử dụng lượng lá dứa vừa phải để tạo mùi thơm tự nhiên cho nước nha đam. Tránh việc sử dụng nhiều vì khi nấu lên nước nha đam sẽ bị nhẵn (đắng) vị của lá dứa khiến chất lượng giảm đáng kể.

Cho vào xoong 2 lít nước, 150gr đường phèn và nắm lá dứa. Sau đó, đun hỗn hợp này đến khi sôi với lửa vừa.

Khi hỗn hợp sôi, cho phần nha đam đã được thái nhỏ vào xoong, đun trong khoảng 3 phút với lửa vừa rồi tắt bếp.

Sau khi xoong nước nha đam nguội, bỏ phần lá dứa ra. Rót nước nha đam vào chai và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.